Hỗ trợ doanh nghiệp

Công ty Kim Khí lên tiếng về khu đất hơn 9.100 m2 bán cho Đất Xanh

HMC khẳng định việc chuyển nhượng đúng pháp luật, đúng quy trình, giá chuyển nhượng là phù hợp với thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Hiệu quả chuyển nhượng đã ghi nhận vào lợi nhuận phân phối cho cổ đông năm 2016.

Công ty cổ phần Kim Khí TP.HCM - Vnsteel (Mã: HMC) vừa có ý kiến về những "lùm xùm" xung quanh việc chuyển nhượng dự án hơn 9.100 m2 tại phường Phú Thuận, quận 7 cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG).

Dự án Phú Thuận không phải tài sản công

HMC khẳng định quyền sử dụng đất của dự án không phải đất có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, cũng không phải tài sản công. Bởi lẽ, trước thời điểm cổ phần hóa, HMC đã được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê hàng năm. Tại thời điểm cổ phần hóa, HMC vẫn chọn phương án tiếp tục thuê đất.

Miếng đất được Đất Xanh xây dựng thành dự án Lux Garden.

Căn cứ Nghị định số 187 của Chính phủ, việc doanh nghiệp cổ phần hóa lựa chọn thuê đất thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản của doanh nghiệp cổ phần hóa. Mặc dù không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản của doanh nghiệp nhưng khu đất này vẫn được HMC quản lý sử dụng. Do đó, khu đất không phải là đất công, không phải tài sản Nhà nước góp vốn vào HMC khi cổ phần hóa vào năm 2005.

Đến năm 2009, HMC mới được UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án. HMC đã nộp tiền sử dụng đất và được Sở Tài chính xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính vào tháng 7/2011. Số tiền HMC dùng để nộp tiền là tiền của HMC, vì vậy khu đất không phải là "đất có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước".

Trên cơ sở đó, vào ngày 28/7/2011, HMC đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền đất ở. HMC chính thức ghi nhận giá trị quyền sử dụng đất vào tài sản cố định vô hình của HMC. Quyền sử dụng đất của dự án không phải tài sản công theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Đồng thời, Luật này mới chỉ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 nên không thể áp dụng. Nếu áp dụng Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008, HMC cũng không thuộc phạm vi áp dụng.

Chuyển nhượng dự án không phải bán đấu giá

 

HMC khẳng định không tổ chức đấu giá do chuyển nhượng dự án không thuộc các trường hợp phải đấu giá theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản tại thời điểm chuyển nhượng như Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh doanh nghiệp năm 2014, Nghị định 91/2005/NĐ-CP... Việc chuyển nhượng cũng không thuộc trường hợp phải đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2013.

Đồng thời, HMC cũng cho biết việc chuyển nhượng dự án đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục chuyển nhượng. Trong nội bộ HMC, việc chuyển nhượng đã được HĐQT chấp thuận, Tổng công ty Thép Việt Nam nhất trí chủ trương. Khi giao dịch, HMC và DXG đã làm các thủ tục chuyển nhượng một cách tuần tự.

Giá chuyển nhượng 102 tỷ đồng là hợp lý

Về giá chuyển nhượng 102 tỷ đồng được cho là "rẻ", HMC cho biết từ năm 2012, cổ đông đã thông qua chủ trương tìm kiếm đối tác liên kết hoặc hợp tác đầu tư tại khu đất. Mãi đến năm 2015 - 2016, HMC mới tìm được đối tác.

Khi tiến hành thẩm định giá đất, HMC đã tiến hành chào giá cạnh tranh cho một số đơn vị quan tâm, trong đó có DXG. DXG đã bỏ giá cao nhất, và mức giá này cũng được HĐQT HMC thông qua, áp dụng làm giá chuyển nhượng.

 

HMC cho rằng giá chuyển nhượng tại thời điểm đó là phù hợp với thị trường, đáp ứng mong muốn của HĐQT sau rất nhiều năm mong muốn chuyển nhượng nhưng không tìm được đối tác, cũng như giải tỏa được lo ngại Nhà nước thu hồi đất do chậm triển khai, thoái vốn ngoài ngành.

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo