Hỗ trợ doanh nghiệp

CTCP Kỹ Nghệ Lạnh SEAREFICO đặt mục tiêu tăng trưởng khá dè dặt so với cùng kỳ năm ngoái

Về hoạt động kinh doanh, năm 2018 Searefico đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 100 tỷ đồng; tăng trưởng khá dè dặt so với thực hiện cùng kỳ.

Nhắm thấy lĩnh vực cung cấp dịch vụ M&E đang có nguy cơ mất cơ hội do nhà thầu tăng cường bao trọn gói, CTCP Kỹ Nghệ Lạnh SEAREFICO (HOSE: SRF) cho biết muốn đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới, hướng đến mục tiêu cơ cấu lĩnh vực M&E với tỷ lệ sản xuất – dịch vụ là 50-50.

Là một đơn vị chuyên thiết kế, cung cấp, thi công và lắp đặt các hệ thống M&E (Cơ điện lạnh) và hệ thống lạnh công nghiệp, hiện nguồn thu SEAREFICO đến từ 2 mảng:

(1) Cung cấp dịch vụ M&E cho các nhà thầu;

(2) Cung cấp sản phẩm lạnh công nghiệp và chế biến thực phẩm.

CTCP Kỹ Nghệ Lạnh SEAREFICO. Ảnh: Thanh niên.

Trong đó, mảng thứ nhất (1) hiện đang đóng góp doanh thu chính cho Công ty với mức tỷ lệ hàng năm luôn duy trì tại 83%. Tuy nhiên, nhắm thấy thị trường dịch vụ M&E tương lai không còn dư địa, do nhà thầu ngày càng cung cấp trọn gói từ sản xuất cho đến dịch vụ. Đồng thời, mảng công nghiệp lạnh đang đi đến điểm bão hòa, dự báo 3 năm đến thì lợi nhuận tối đa sẽ chỉ dừng lại ở mức 500-600 tỷ đồng. Năm 2018 này SEAREFICO quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, đầu tư mạnh cho dự án công nghệ mới, hướng đến mục tiêu cơ cấu lĩnh vực M&E với tỷ lệ sản xuất – dịch vụ là 50-50.

Trên thực tế, chiến lược này đã manh nha ngay từ những năm trước, điển hình là Dự án ERF – Dự án chuyển đổi chất tạo bọt trong sản xuất foam cách nhiệt Polyurethane từ HCFC – 141b sang Cyclopentane. Chưa dừng lại, Công ty cũng đã đi đến quyết định đầu tư 1 dự án dây chuyền sản xuất vật liệu mới với tổng giá trị khoảng 10 triệu USD, đồng thời tiên phong cung cấp hệ thống kho lạnh thông minh. Như vậy, tiếp nối tham vọng trên, năm 2018 nhiệm vụ Công ty là phải đảm bảo những dự án này đi đúng tiến độ, thúc đẩy phát triển doanh thu và lợi nhuận.

2018 phát triển Công ty theo hướng holdings, lợi nhuận kỳ vọng đạt 100 tỷ đồng

Không đi ngoài xu hướng chung, SRF năm nay cũng dự kiến chuyển mô hình hoạt động sang hình thức holdings, nhằm quản lý và vận hành hệ thống công ty con – công ty liên kết một cách hiệu quả hơn, tối thiểu hóa rủi ro. Đồng thời, Công ty cũng trình cổ đông thông qua việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Chi nhánh Searee thành CTCP tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng nay ngày 30/3/2018.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2018 SRF đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 100 tỷ đồng; tăng trưởng khá dè dặt so với thực hiện cùng kỳ. Căn cứ chỉ tiêu trên, Công ty đặt kế hoạch cổ tức 2018 với tỷ lệ tối thiểu ở mức 15%/mệnh giá.

 

Kết thúc năm 2017, SRF ghi nhận 1.978 tỷ đồng doanh số ký hợp đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, song chỉ mới thực hiện được 90% chỉ tiêu. Tương tự, doanh thu thực hiện cũng chỉ dừng ở mức 85% kế hoạch mặc dù có ghi nhận tăng 10%, đạt 1.449 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 theo đó đạt 85 tỷ, vượt 10 chỉ tiêu. Tuy nhiên, so với thực hiện năm 2016 là 96 tỷ đồng, năm qua lợi nhuận Công ty ghi nhận giảm đáng kể 14%.

Một điểm đáng chú ý, trên BCTC năm 2017 thì khoản mục phải thu khách hàng tăng khá mạnh, đại diện Công ty cho biết trong quý 1/2018 đã thu hồi được khá nhiều, hơn 300 tỷ. Do đó, con số trên BCTC chỉ mang tính thời điểm.

Đại diện Sao Phương Nam lên tiếng về việc bán cổ phần?

Liên quan đến cơ cấu cổ đông SRF, từ ngày 1/2/2018 CTCP Sao Phương Nam có đăng ký bán toàn bộ 24,2% vốn đang nắm giữ, tương ứng hơn 7,8 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, đến nay thương vụ trên vẫn chưa hoàn tất.

Làm rõ điều này tại Đại hội, đại diện Sao Phương Nam cho biết thực chất đây là việc chuyển đổi cổ phiếu, không phải là thoái vốn. Hiện hai bên đã đi đến thống nhất, tuy nhiên chưa thực hiện được do vấn đề về hành chính.

 

Trên thị trường, 1 năm qua cổ phiếu SRF biến động tương đối mạnh, hiện đang giao dịch tại mức 17.000 đồng/cp (30/3/2018). Trước đó, Công ty đã mua lại 1.1 triệu cổ phiếu quỹ vào ngày 13/2/2018 với mức giá bình quân 18,842 đồng/cp. Được biết, do lượng thanh khoản trên thị trường không đủ nên Công ty SRF chỉ mua lại được 1.1 triệu/1.9 triệu cổ phiếu bằng nguồn vốn từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận chưa phân phối và quỹ khác.

Nên đọc

Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo