Hỗ trợ doanh nghiệp

Cty mua bán nợ xấu không phải chiếc đũa thần

Trao đổi với báo chí tại lễ khai trương Cty Quản lý Tài sản (VAMC) ngày 26/7, về việc VAMC có bị “quá sức” khi xử lý nợ xấu với số vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC cho biết, việc mua nợ xấu của VAMC sẽ thực hiện bằng trái phiếu đặc biệt.
(VnEconomy) Nhiều nước đã dùng trái phiếu như hình thức huy động vốn trong trung hạn và ngắn hạn để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, trái phiếu của Việt Nam có đặc thù riêng, không giống trái phiếu được phát hành ở Mỹ hay châu Âu.
 
Theo ông Thủy, vấn đề của VAMC không phải là vốn mà là sự đồng thuận của các cấp quản lý, chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng.
 
“Tôi nghĩ không nhất thiết các tổ chức nợ xấu trên 3% mà cả những tổ chức nợ xấu dưới mức 3% cũng có thể thương lượng bán nợ cho VAMC. Việc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc về việc xử lý nợ xấu từ 40.000- 70.000 tỷ đồng trong năm 2013 là có thể thực hiện được”, ông xác nhận.
 
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, VAMC chỉ là thêm một công cụ góp phần làm lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chứ không phải chiếc đũa thần để xử lý nợ xấu. Giai đoạn đầu, công ty sẽ tập trung xử lý những gì cấp thiết nhất, trên cơ sở đó sẽ tiến dần sang các nội dung khác.
 
“Ban lãnh đạo NHNN, các tổ chức tín dụng và bộ, ban, ngành rất trông chờ vào VAMC nhưng đây cũng không phải là chiếc đũa thần để có thể xử lý hết, xử lý triệt để nợ xấu. VAMC chỉ nên được coi là thêm 1 công cụ góp phần với các công cụ khác để xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh tài chính ngân hàng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp”, Thống đốc Bình nói.
 
Thống đốc cũng cho biết, theo kinh nghiệm của nhiều nước, Cty mua bán nợ được coi như là một công cụ hữu ích cho quá trình xử lý nợ xấu, cải cách kinh tế, khôi phục lại sự lành mạnh của tổ chức tín dụng nhưng không ít mô hình tại các nước đã thất bại.
 
 
Phạm Tuyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo