Hỗ trợ doanh nghiệp

Cú trượt dài của Tôn Hoa Sen: Thị phần sụt giảm mạnh, vay nợ tăng vọt, lợi nhuận rơi về mức của 4 năm trước

Sau một thời gian dài sụt giảm thị phần, Hoa Sen đang mạnh tay vay nợ để mở rộng đầu tư. Hệ quả là lợi nhuận của tập đoàn này giảm sâu, do áp lực trả lãi vay và áp lực từ chi phí bán hàng, chi phí quản lý.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2018. Đây là quý 2 theo niên độ tài chính của Hoa Sen vì tập đoàn này bắt đầu năm kinh doanh từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau.

Theo đó, doanh thu kỳ này của Hoa Sen đạt 7.663 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy doanh thu tăng nhưng hoạt động kinh doanh chính của Hoa Sen chỉ đạt lợi nhuận thuần 115 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ.

Nguyên nhân là do tất cả các loại chi phí của Hoa Sen đồng loạt tăng cao. Trong đó, chi phí lãi vay tăng tới 70% khi Hoa Sen đang nợ ngắn hạn 12.646 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với hồi đầu kỳ. Bên cạnh chi phí lãi vay, chi phí bán hàng của Hoa Sen cũng tăng 35%, chi phí quản lý tăng gần 90% so với cùng kỳ.

Kết quả này khiến Hoa Sen chỉ có lãi 87 tỷ đồng trong quý 1/2018. Đây là con số thấp nhất trong vòng 4 năm qua của tập đoàn này.

Trên thị trường tôn mạ, thị phần của Hoa Sen từ mức 40,9% năm 2012 đã xuống chỉ còn 33,1% năm 2016. Xu hướng giảm thị phần này là đáng báo động và một nguyên nhân quan trọng đó là tốc độ tăng trưởng đầu tư của Hoa Sen đã thấp hơn tốc độ tăng trưởng đầu tư của toàn ngành. 

Điều này khiến Hoa Sen phải thay đổi chiến lược, chuyển sang tăng vay nợ để mở rộng đầu tư, hạ giá bán nhằm lấy lại thị phần. Chiến lược này bước đầu đã thành công khi thị phần Hoa Sen đã hồi phục lên 34,3% trong năm 2017 nhưng đổi lại, lợi nhuận năm ngoái của Hoa Sen đã giảm 11,5% và tiếp tục giảm sâu trong năm nay.

Với kết quả kinh doanh đi xuống, cộng thêm thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu của Hoa Sen bị nhà đầu tư bán tháo những ngày vừa qua. Giá đóng cửa phiên giao dịch 2/5 còn 15.600 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 45% so với hồi giữa tháng 1/2018.

Giá cổ phiếu Hoa Sen lao dốc. Ảnh: VnDirect.

Trong thời gian tới, tình hình được dự báo sẽ thêm phần khó khăn cho Hoa Sen, khi tập đoàn Hòa Phát đã chính thức đưa sản phẩm tôn mạ màu ra thị trường. Nhà máy Tôn Hòa Phát có công suất 400.000 tấn/năm và mục tiêu của tập đoàn này là đến năm 2020 sẽ lọt vào Top 5 nhà sản xuất tôn lớn nhất Việt Nam.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo