Hỗ trợ doanh nghiệp

Cửa ngõ vào Caribe và Mỹ Latinh

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Panama, VCCI phối hợp với Đại sứ quán Panama tại Việt Nam tổ chức tọa đàm với Tổng thống Panama nhằm tìm hiểu môi trường đầu tư, những tiềm năng và cơ hội trong đầu tư kinh doanh tại đất nước này.

Mặc dù Panama không phải là một thị trường lớn với dân số chỉ khoảng 4,1 triệu người nhưng đây là nơi có con kênh đào Panama nổi tiếng thế giới, dài 80 km nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, là một trung tâm hậu cần quốc tế gắn liền với sự phát triển của các lĩnh vực hàng hải, công nghiệp, du lịch, thương mại… Thông qua con kênh này, các doanh nghiệp có thể trao đổi hàng hóa với tất cả các nước trong vùng biển Caribe và Mỹ Latinh mà không cần mở văn phòng đại diện tại các nước đó.

Lợi thế còn bỏ ngỏ

Không chỉ có vậy, Việt Nam và Panama còn có rất nhiều lợi thế tự nhiên khác, đặc biệt hai nước có tiềm năng và nhu cầu hợp tác trên nhiều lĩnh vực  như: vận tải hàng hải, nông nghiệp, y học cổ truyền... Tuy nhiên trên thực tế, dường như cộng đồng doanh nghiệp hai nước vẫn chưa tận dụng hết những cơ hội sẵn có để hợp tác đầu tư.

Điều này đã phần nào được thể hiện thông qua kết quả của kim ngạch thương mại hai nước vẫn còn ở mức thấp. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Panama chỉ đạt 120,3 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu, với các mặt hàng chủ yếu như: gỗ, giầy dép, hàng thủ công mỹ nghệ, máy móc nông nghiệp...

VCCI cho biết, tính đến tháng 8/2012, Panama có 9 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 51 triệu USD, tập trung vào các tỉnh phía Đông Nam Bộ, trong đó tỉnh Đồng Nai có 5 dự án, TP.Hồ Chí Minh có 3 dự án và Bình Dương 1 dự án. Trong khi đó, Việt Nam cũng mới chỉ có 1 doanh nghiệp có văn phòng tại Panama, cả ở thủ đô cũng như Khu thương mại tự do Colon là Công ty Thương mại VIETPA, S.A (Việt Nam – Panama) chuyên kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng cao cấp. Một vài công ty khác như: Tổng công ty thuốc lá Vịêt Nam và Công ty CP Bánh kẹo Hữu nghị… đang có ý định kinh doanh tại đây nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở  mức… tham gia hội chợ.

Theo phân tích của VCCI, những khó khăn chính khiến cho hợp tác hai bên còn khiêm tốn là xa cách về mặt địa lý, cước phí vận tải cao. Cơ cấu xuất khẩu của hai nước có một số mặt hàng trùng hợp.Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường Panama gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa của các nước châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ...

Ông Hoàng Công Thúy - Đại sứ Việt Nam tại Panama cho rằng, Việt Nam còn được ít người biết đến như một đất nước đang phát triển nhanh về kinh tế, thương mại, nhiều người còn chưa hình dung được Việt Nam có thể mua gì, bán gì, đầu tư được gì. Trong khi Panama được các doanh nghiệp Việt Nam biết đến như miền đất của con kênh đào huyền thoại, ít người biết về tiềm năng và cơ hội thương mại mà đất nước này có thể mang lại.

Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư

Không chỉ có lợi thế là trung tâm trung chuyển hàng hóa, Panama còn được coi là trung tâm tài chính ngân hàng tại khu vực Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, Panama còn là thị trường trung chuyển lớn trên thế giới với hơn 2000 doanh nghiệp đặt văn phòng tại Khu thương mại tự do Colón, trao đổi thương mại đạt trị giá hơn 10 tỉ USD/năm, trong đó nhập khẩu chiếm 45% và tái xuất chiếm 55%. Khu miễn thuế này hàng năm đóng góp 7,5% GDP cho Panama.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, Panama có chính sách thông thoáng tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Hiện nay Panama ưu đãi thuế suất bằng 0% nếu các nguồn vốn, tài chính không đầu tư, sử dụng trên lãnh thổ Panama, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính trong việc thành lập cơ quan đại diện, tự do chuyển lợi nhuận ra nước ngoài... Bên cạnh đó, quyền tự do kinh doanh của mọi pháp nhân được bảo đảm, không có sự phân biệt đối xử với người nước ngoài.

Đại sứ Hoàng Công Thúy cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng lợi thế của kênh đào Panama, Khu tự do thương mại Colon với hệ thống kho ngoại quan… để hợp tác kinh doanh và đầu tư trên mọi lĩnh vực tùy theo khả năng từ gạo, vật liệu xây dựng, máy móc nông nghiệp, hàng dệt may, cao
su, xây dựng nhà ở, cao ốc…

Với chuyến thăm Việt Nam đầu tiên ở cấp nguyên thủ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (28/8/1975) và việc lãnh đạo hai nước trao đổi các khả năng và biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, chắc chắn thời gian tới, quan hệ kinh tế - chính trị hai nước nói chung và quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai cộng đồng doanh nghiệp nói riêng sẽ có những chuyển biến lớn.
 

 

Đại sứ quán Panama tại Việt Nam

17th floor. suite 17-04, Vincom Towers, 191 Ba Trieu. Hanoi; Đại sứ: Eduardo Young Virzi, Tel: 39365213; Fax:  39365214; Đại sứ quán Việt Nam tại Panama; Edificio Atlántico, piso 10, local 3, calle 50 y 53,Ciudad de Panamá, Panamá; Đại sứ : Hoàng Công Thuý (email: convietnam@cwpanama.net; embavinapa@cwpanama.net  T: (507) 264 2551 ;  F: (507) 265 6056)



Đoàn Huế (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo