Hỗ trợ doanh nghiệp

Cục An toàn thực phẩm: Gây khó khăn cho doanh nghiệp đăng ký quảng cáo

(DNVN) - Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ đã có Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tại Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016 về tình hình triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Liệu Cục An toàn thực phẩm đi ngược với tinh thần đó?

Doanh nghiệp cần, cán bộ của Cục chưa vội

Phản ánh với chúng tôi, đại diện doanh nghiệp chuyên về quảng cáo đang đăng ký hồ sơ quảng cáo thực phẩm chức năng tại Cục An toàn thực phẩm bức xúc nói: Trong các cơ quan hành chính mà doanh nghiệp thường xuyên giao dịch thì Cục An toàn thực phẩm là nơi mà họ gặp nhiều phiền toái nhất. Ngay cả Sở Y tế Hà Nội còn giải quyết thủ tục hành chính nhanh và trách nhiệm hơn nhiều.

Tìm hiểu lý do thì được biết, doanh nghiệp này đã nộp hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo qua mạng Internet từ ngày 04/6/2016; nộp phí thẩm định hồ sơ bằng cách chuyển tiền trực tuyến qua hệ thống Keypay vào ngày 04/6/2016 và ngày 06/6/2016. Sau khi nộp phí, hệ thống phần mềm tự động của Cục An toàn thực phẩm đã trả lời: Quý doanh nghiệp đã thực hiện việc nộp phí/lệ phí trên hệ thống Dịch vụ công Y tế cho thủ tục Đăng ký hồ sơ quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Cán bộ kế toán của Cục sẽ xác nhận việc nộp phí của doanh nghiệp trong thời hạn 1 ngày làm việc và gửi lại phản hồi.

Hồ sơ của doanh nghiệp bị “treo” do kế toán không xác nhận nộp phí.

Tuy nhiên, đến thời điểm 17h00 ngày 9/6/2016 cán bộ kế toán của Cục An toàn thực phẩm cố tình không xác nhận nộp phí mặc dù doanh nghiệp đã liên hệ với kế toán theo số điện thoại: 04.38464489/ máy lẻ 3020 để nhắc kế toán xác nhận nộp phí. Đây không phải là lần đầu tiên, cán bộ kế toán của Cục An toàn thực phẩm thiếu trách nhiệm đến thế. Việc “ngâm” hồ sơ của doanh nghiệp từ 4-5 ngày là chuyện bình thường ở cán bộ kế toán này.

Đầu vào đã vậy, đầu ra cũng không khác gì. Sau khi ông Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ký duyệt nội dung quảng cáo, doanh nghiệp sẽ phải nộp lệ phí cấp số là 150.000 đ; nộp phí xong lại phải đợi cán bộ kế toán xác nhận. Thời gian nhanh là 3 ngày còn chậm là 7 ngày thậm chí lâu hơn.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp quảng cáo hai sản phẩm trong một đơn đăng ký thì sẽ phải nộp phí thẩm định hồ sơ cho 2 sản phẩm, trong khi phần mềm điện tử của Cục chỉ cho nộp 1 lần phí. Nếu muốn nộp phí cho sản phẩm còn lại thì phải đến nộp trực tiếp tại Cục (việc này quá khó đối với doanh nghiệp ở địa bàn xa Hà Nội) hoặc chuyển khoản (thời gian xác nhận phí của kế toán qua chuyển khoản có khó hơn bội phần).

Thẩm định hồ sơ sao lâu thế?

Theo Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 09 /2015/TT-BYT ngày 25 tháng 05 năm 2015 quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, thì: Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị đơn vị sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, thời gian này ở Cục An toàn thực phẩm là 10 ngày làm việc. Thông thường hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo của các doanh nghiệp đều có sai sót hoặc thiếu tài liệu chứng minh cho thông tin quảng cáo nên sẽ mất ít nhất một ngày để sửa.

 

Theo doanh nghiệp này cho biết, tổng thời gian để được xác nhận nội dung quảng cáo nếu phải chỉnh sửa mất ít nhất 40 ngày và doanh nghiệp than rằng: Quá lâu cho một thủ tục hành chính trong thời đại công nghệ thông tin.

Tự sửa hồ sơ – Khó hơn lên trời

Trong nhiều công văn trả lời doanh nghiệp về nội dung đăng ký quảng cáo, lẽ ra phải chỉ rõ những sai sót, chỉ rõ căn cứ tại sao sai và nên sửa thế nào thì Cục An toàn thực phẩm lại có những yêu cầu rất “khó” là: "Không quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, hoặc tập trung quảng cáo 01 công dụng chính của sản phẩm." Trả lời như vậy khác nào đánh đố doanh nghiệp.

Kinh phí thẩm định quảng cáo quá cao

Hiện nay, theo quy định thì doanh nghiệp phải nộp phí thẩm định cho 1 sản phẩm đăng ký quảng cáo là 1 triệu đến 1,2 triệu đồng (áp dụng cho quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình). Mức phí này quá cao so với công sức của cán bộ thẩm định hồ sơ và các cán bộ liên quan khác. Trung bình một ngày, một cán bộ có thể thẩm định được 15-20 hồ sơ (mỗi hồ sơ thường không quá 100 từ; có hồ sơ chỉ có hình ảnh và khoảng 30 từ). Như vậy, số tiền mà mỗi cán bộ thẩm xét hồ sơ mang về cho Cục An toàn thực phẩm là khá lớn, từ 15 đến 20 triệu đồng.

 

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, cán bộ nhà nước đã có lương ngân sách, được nhà nước trả lương nên việc thẩm định hồ sơ đăng ký quảng cáo là nghĩa vụ, trách nhiệm. Việc thu phí thẩm định nội dung quảng cáo có chăng nên giảm bớt để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Sau khoảng 2 năm triển khai hệ thống dịch vụ công bằng điện tử, Cục An toàn thực phẩm đã trả kết quả cho 4.536 hồ sơ, chờ bổ sung là 794 hồ sơ, chờ xử lý là 277 hồ sơ, chưa tiếp nhận là 11 hồ sơ. Tổng số tiền mà Cục An toàn thực phẩm thu từ các hồ sơ này trung bình khoảng 5,6 tỷ đồng - một khoản thu từ dịch vụ công thuộc hàng “khủng” so với các cơ quan nhà nước khác.

Việc chi khoản tiền này như thế nào chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin cho bạn đọc ở bài tiếp theo!

Nên đọc


Hồng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo