Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Doanh nghiệp Việt phải giữ thế chủ động
Sau khi Mỹ kích hoạt các biện pháp thuế chống lại Trung Quốc, ngày 6/7 Trung Quốc đã thông báo các biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu có hiệu lực.
Trước vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh -Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay: Danh sách mặt hàng mà Mỹ áp thuế đa dạng với tổng trị giá lên tới khoảng 34 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ đang xem xét áp mức thuế cao như vậy đối với một loạt hàng hóa khác trị giá 16 tỷ USD. Nếu được thông qua, tổng cộng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế với thuế suất cao.
Ngược lại, Trung Quốc đã công bố danh sách các hàng hóa Mỹ bị nước này đánh thuế; trong đó bao gồm nhiều mặt hàng như: nông sản, ô tô, đậu tương, thủy sản, thịt lợn, xe điện, các loại xe điện hybrid... với tổng trị giá cũng khoảng 34 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Hoàng Linh, đây không phải là chiến tranh thương mại mà chỉ nên xem là việc áp thuế lên các mặt hàng.
Ông Tạ Hoàng Linh cũng đưa ra ví dụ như trước đây Mỹ đã từng áp thuế đối với Liên bang Nga và nhiều ý kiến cũng tỏ ra e ngại sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và nhất là các mặt hàng xuất khẩu. “Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể dự đoán trước được điều gì và biết đâu bên cạnh những thách thức lại mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam ?”, ông Linh cho hay.
Cùng quan điểm này, chuyên gia Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cũng cho rằng: Mỹ và Trung Quốc hiện là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên đây có thể là cơ hội cho sự tăng trưởng thương mại.
Chẳng hạn như khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế ở thị trường Mỹ, năng lực cạnh tranh suy giảm chính là cơ hội cho tất cả các sản phẩm khác ngoài Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ; trong đó có Việt Nam.
Cụ thể như Mỹ đang là một trong những thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 75 triệu USD trong quý I/2018, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, Việt Nam chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 10% còn lại. Dù vậy, Trung Quốc hầu như chỉ xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến sẵn nên giá thành cá tra của họ cao gần gấp đôi so với cá tra Việt Nam. Khi bị áp thuế quá cao, các sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là lựa chọn thay thế.
Chính vì vậy, các chuyên gia thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp nên bình tĩnh, tránh tâm lý hoang mang và cần chủ động thông tin, quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, các bộ, ngành chức năng cần hỗ trợ giải pháp giữ vững được các thị trường truyền thống như châu Âu, Đông Âu, là những thị trường vẫn còn có dư địa phát triển. Ngoài ra, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đều mở ra các cơ hội cho Việt Nam như FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Các FTA này sẽ giúp mở rộng thị phần xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường lớn và có nhu cầu phù hợp với các sản phẩm của Việt Nam. Chưa kể, CPTPP sẽ giúp Việt Nam tiếp nhận được nhiều công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ 4.0 của các nước này để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo