Hỗ trợ doanh nghiệp

Cuộc đua thương mại điện tử quá khốc liệt: Tiki lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng kể từ khi hoạt động

Tính đến cuối năm 2016, Tiki lỗ khoảng 308 tỷ đồng và sang năm 2017, công ty này lỗ tiếp 282 tỷ đồng, gần bằng số lỗ lũy kế 6 năm trước cộng lại.

Theo số liệu từ Công ty cổ phần Ti Ki, năm 2015 công ty này lỗ gần 80 tỷ đồng và sang năm 2016 lỗ tiếp gần 180 tỷ đồng. Do đó, tính tới cuối năm 2016, Ti Ki chịu lỗ lũy kế khoảng 308 tỷ đồng.

Năm 2017, số liệu của VNG (công ty sở hữu 38% vốn Ti Ki) cho biết, Ti Ki lỗ tiếp 282 tỷ đồng, gần bằng số lỗ lũy kế 6 năm trước cộng lại. Như vậy, tổng cộng sau 7 năm kể từ khi đi vào hoạt động, Ti Ki đang lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng.

Thực tế, hoạt động chính của CTCP Ti Ki là cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, việc mua bán hàng hóa được thực hiện qua Công ty TNHH MTV Thương mại Ti Ki (Ti Ki Trading). Đây mới là nơi phản ánh hoạt động mua bán hàng hóa trên trang thương mại điện tử của Ti Ki.

Năm 2015, doanh thu Ti Ki Trading đạt 370 tỷ đồng sau đó tăng lên gần 860 tỷ đồng vào năm 2016. Mặc dù vậy, giá vốn chiếm tỷ trọng lớn nên Ti Ki Trading chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng trong năm 2015 và sang năm 2016 chịu lỗ 40,7 tỷ đồng.

Giá vốn chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu doanh thu Ti Ki Trading

Điểm chung giữa Ti Ki và Ti Ki Trading là chi phí bán hàng rất cao. Năm 2016, Ti Ki Trading tốn 107 tỷ đồng cho khoản chi phí này còn phía Ti Ki lên tới hơn 222 tỷ đồng. Đây là điều dễ hiểu bởi các trang thương mại phải liên tục chạy các chương trình khuyến mại để xây dựng thị trường, thu hút người mua, bên cạnh đó là chi phí logistics khổng lồ để đưa hàng hóa tới tay khách hàng.

Con số lỗ của Tiki phản ánh sự khốc liệt của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, khi đây được xem như một sân chơi thi "đốt tiền" để chiếm thị trường. Tiki hiện đã "đốt" được 85% số tiền do VNG đầu tư và trước đó, hàng loạt trang thương mại điện tử đã phải ngậm ngùi đóng cửa sau khi không còn tiền để "đốt", như Lingo, Beyeu, Deca... Những cái tên vẫn còn trụ vững đến thời điểm hiện tại đều là những đại gia lắm tiền nhiều của, như Adayroi của Vingroup, Lazada của Alibaba...

Tuy thua lỗ nhưng với độ phủ và tốc độ phát triển của mình, Ti Ki đã tiếp tục được rót khoảng 44 triệu USD từ nhà bán lẻ lớn thứ 2 của Trung Quốc là JD.com. Chủ tịch JD.com cho biết, Việt Nam là điểm nhấn quan trọng của JD.com trong khu vực Đông Nam Á, nơi cả Alibaba và Amazon đều đã thực hiện những khoản đầu tư chiến lược vào đây. JD.com sẽ tham gia hỗ trợ Tiki về mảng nhà kho, hệ thống giao hàng cũng như công nghệ và thanh toán.

Ngoài VNG và JD.com, những nhà đầu tư trước vào Tiki còn có Seedcom, Sumitomo Corp và CyberAgent Ventures.

Đầu tháng 4/2018, Tiki đã thay đổi giấy đăng ký doanh nghiệp, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 13,08% lên 40,6%. JD và Sumitomo là 2 cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 22,1% và 7,32%.

 

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo