Hỗ trợ doanh nghiệp

Đã rốt ráo xử lý vấn nạn đầu tư dàn trải

Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã làm hài lòng các đại biểu Quốc hội đối với ba nhóm vấn đề nóng nhất của nền kinh tế hiện nay.

Đó là, nâng cao hiệu quả đầu tư công; các giải pháp vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2012 và tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.

 

Cần phải nói thêm rằng, với hơn 50 chất vấn đã được giải đáp tại Hội trường - một kỷ lục rất cao, đề cập nhiều lĩnh vực, nhưng các câu hỏi hóc búa nhất đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư vẫn tập trung ở những nhóm vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế từng được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại các phiên thảo luận tại kỳ họp lần này.

 

Khẳng định việc xử lý vấn nạn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả đã có những chuyển biến lớn trong năm 2012, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ (Chỉ thị 1792) do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tham mưu ban hành cuối tháng 11/2011 có thể coi là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp này.

 

Theo Chỉ thị 1792, chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm cân đối đủ vốn mới được ký quyết định phê duyệt dự án. Nếu để thất thoát vốn, công trình thi công kéo dài thì người ký chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Bộ trưởng nói rõ thêm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ giao số vốn trung ương có trong 3 - 5 năm tới cho các địa phương. Như vậy, cộng với số vốn địa phương đang có để triển khai, việc bố trí, phân khai vốn sẽ được minh bạch, chấm dứt nạn “chạy” dự án.

 

Theo hướng này, nguồn vốn trái phiếu chính phủ sẽ được giao gói 3 năm (2012 - 2015) để các bộ, ngành, địa phương chủ động phân khai vốn cho các dự án theo tiêu chí quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Như vậy, từ nay đến năm 2015, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ chỉ tham mưu vấn đề lớn mà không đi vào chi tiết.

 

“Nếu làm đúng, đến năm 2015, chúng ta gần như có thể chấm dứt được tình trạng đầu tư dàn trải. Đây là lời hứa trước Thủ tướng, Quốc hội khi bắt đầu nhận nhiệm vụ mà tôi cam kết thực hiện bằng được”, Bộ trưởng chia sẻ.

 

Về việc chậm bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, như chất vấn của đại biểu Danh Út (Đoàn đai biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải rằng, việc chậm giao vốn cho các dự án đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thời gian qua là do quán triệt việc thực hiện Chỉ thị 1792 nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

 

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã làm rất quyết liệt, rà soát rất chặt hoạt động đầu tư, giao các bộ, ngành và địa phương tự quyết định mức đầu tư, dự án đầu tư. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải “gác cửa”, không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, nên có chậm hơn một chút so với quy định của Quốc hội.

 

Tuy nhiên, theo quan điểm của người đứng đầu ngành Kế hoạch & Đầu tư, nếu chậm 2 đến 3 tháng mà hơn 2.000 công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách sắp xếp lại một cách nghiêm túc và hợp lý, thì đây là sự đánh đổi hết sức hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho cả giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2015.

 

Liên quan tới chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng) về 3 dự án ODA đang bị phía Đan Mạch xem xét, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đây là 3 dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

 

“Ngay khi có thông tin, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan hữu quan làm việc trực tiếp với 2 bộ quản lý các dự án này và Đại sứ quán Đan Mạch. Phía Đan Mạch cho biết đây mới là nghi vấn, chưa dừng hẳn cấp ODA, mà chỉ tạm dừng để xem xét”, Bộ trưởng Vinh nói. Cũng theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ liên quan rà soát lại từng dự án.

 

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh) về việc tại sao tháng 10/2010, dù đã nhìn thấy dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế mà Bộ vẫn đề nghị Chính phủ xây dựng mức tăng trưởng GDP 6-6,5%.

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, việc trình Chính phủ và Quốc hội phương án giảm mức phấn đấu bình quân 5 năm của kế hoạch 5 năm đã được Đại hội Đảng XI thông qua từ 7-7,5% xuống 6,5-7% là đề xuất dũng cảm, thể hiện tinh thần thẳng thắn nhìn vào sự thật và được Quốc hội chấp nhận.

 

Trả lời đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên) về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong việc phát hiện sai phạm trong sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (cụ thể là trong vụ Vinalines), Bộ trưởng thắng thắn cho biết, về nguyên tắc thì có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

 

Tuy nhiên, nhiều nghị định, quy định đã quy định chặt chẽ trách nhiệm của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong sử dụng vốn nhà nước, nhưng do các tập đoàn, tổng công ty không có trách nhiệm phải báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nên Bộ không nắm được.

 

Để khắc phục việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132/NĐ-CP/2005 về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước theo hướng Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là đại diện chủ sở hữu vốn này.

 

Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị làm rõ nguồn tài chính thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, quan điểm của Chính phủ là tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn phải cần đến nguồn lực.

 

Theo đó, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đối với khu vực doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước đều phải dùng nguồn lực của mình để thay đổi công nghệ, nâng cao quản trị, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Nhà nước không thể bỏ ra một gói tổng thể bao nhiêu nghìn tỷ đồng để hỗ trợ.

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm, đây là đề án tổng thể mang tính định hướng, nêu quan điểm mục tiêu và đưa ra giải pháp. Chính vì vậy, sau khi được Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh Đề án tổng thể, sau đó giao cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án thành phần.

 

Tôi ấn tượng với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh”

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội

Qua 4 phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, ông tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng nào nhất?

Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Tôi thấy Bộ trưởng bản lĩnh, trách nhiệm và tự tin trước các đại biểu.

Ông ấn tượng nhất với những nội dung nào mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời?

Có nhiều vấn đề Bộ trưởng trả lời rất đáng nhớ, trong đó, những khiếm khuyết về cơ chế, chính sách Bộ trưởng trả lời khá thuyết phục. Đã dám nói thẳng trách nhiệm của Bộ, những gì không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cũng dám nói thẳng, không đổ lỗi, không nói mập mờ, mà chỉ rõ trách nhiệm của ai. Đây là điều mà làm đại biểu hài lòng.

Điều quan trọng là Bộ trưởng đã thể hiện trách nhiệm của Bộ và bản thân trước các vấn đề đại biểu đặt ra, ví dụ yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp luật cho hoạt động đầu tư, những ý tưởng về cách khắc phục những vấn đề đại biểu đặt ra. Những ý tưởng đó là hợp lý, có tính chiến lược cao, nhất là về việc khắc phục “chạy” dự án, tiêu cực trong cấp phép đầu tư.

Ông có mong muốn, nhắn nhủ gì thêm với Bộ trưởng?

Chúng tôi mong Bộ trưởng thấy rõ hơn nữa trách nhiệm của ngành trong việc phối hợp với các bộ khác để tham mưu cho Chính phủ có cơ chế vốn và quản lý tập đoàn, tổng công ty tốt hơn, phát hiện kịp thời bất hợp lý trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là xử lý mối quan hệ giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng của chủ sở hữu.

 
 
 
Theo ĐT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo