Hỗ trợ doanh nghiệp

Đại gia giấu mặt âm thầm thu gom đất vàng

Các đại gia giàu có đang tung tiền ra thâu tóm các doanh nghiệp (DN) sở hữu nhiều bất động sản có giá trị tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng công khai đứng tên trong các vụ M&A này.

Không muốn lộ diện
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo vê việc sở hữu của cổ đông lớn tại CTCP Vận tải và thuê tàu - Vietfracht (VFR). Theo đó, đồng loạt trong ngày 20/5, 4 cá nhân chưa từng sở hữu cổ phần tại Vietfracht đã trở thành cổ đông lớn của DN này.
Cụ thể, bà Dương Thị Huệ mua 2.857.600 cổ phiếu VFR và trở thành cổ đông nắm giữ 19,05% cổ phần của Vietfracht; bà Vũ Thị Hạnh mua 2.503.819 cổ phiếu VFR (tương đương 16,69%); bà Nguyễn Thị Thanh mua 1.877.865 cổ phiếu (12,52%) và bà Đỗ Thị Huyền Thanh mua 2.086.516 cổ phiếu (13,91%).
Tổng cộng, 4 cá nhân chưa từng được biết đến trong giới đầu tư chứng khoán này đã sở hữu 62,17% cổ phần của Vietfracht.
Số cổ phần 4 cá nhân này mua thành công chưa được công bố có nguồn gốc từ đâu, nhưng nhiều khả năng, phần lớn là của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và của một số tổ chức đang sở hữu cổ phần tại DN này.

Ngành nghề chính là đóng tàu nhưng Vietfracht còn sở hữu nhiều BĐS.
Ngành nghề chính là đóng tàu nhưng Vietfracht còn sở hữu nhiều BĐS.

Trước đó, SCIC đã đăng ký bán toàn bộ 7,65 triệu cổ phiếu VFR (hơn 51%) vốn điều lệ của Vietfracht trong thời gian từ 20/5 đến 18/6. Việc thoái vốn của SCIC là hết sức bình thường. Nó nằm trong nỗ lực thoái vốn nhà nước tại các DNNN và các DN trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao các NĐT cá nhân lại đồng loạt mua 10-20% cổ phần của một DN trong một lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn là vận tải biển? VFR liên tục bán tàu vẫn không đủ để cứu tăng trưởng lợi nhuận. Năm 2014 kinh doanh thua lỗ, còn 2015 đặt kế hoạch lợi nhuận vỏn vẹn 200 triệu đồng trước thuế so với vốn chủ sở hữu gần 300 tỷ đồng. Cổ phiếu VFR đang bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Một người trong cuộc giấu tên tiết lộ, vấn đề nằm ở chỗ VFR sở hữu nhiều BĐS và giá cổ phiếu hiện quá rẻ. Cổ phiếu công ty này được một đại gia máu mặt trong lĩnh vực BĐS, tài chính NH thâu tóm.
Trên thực tế, rất khó để xác minh được giá trị thật của các DN có nguồn gốc DNNN. Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh nhiều khi không thể xóa mờ được những giá trị tài sản khác của DN.
Bất động sản vẫn rất màu mỡ
Sau vài năm trầm lắng, giá BĐS ở nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, đã xuống khá nhiều ở vùng ven. Giao dịch kém sôi động trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ở những khu vực đất vàng, đất có khả năng kinh doanh thì giá dường như vẫn rất cao và cũng không dễ gì sở hữu được.
Không ít đại gia đã chọn giải pháp thâu tóm các DNNN trong quá trình cổ phần hóa, thâu tóm các DN niêm yết trên sàn chứng khoán có BĐS ở vị trí đắc địa để đầu tư kinh doanh.

Những khách sạn ở vị trí đắc địa luôn được các đại gia nhòm ngó.
Những khách sạn ở vị trí đắc địa luôn được các đại gia nhòm ngó.

Cụ thể, đó là sự tấn công của các tập đoàn lớn vào các DN sở hữu các mảnh đất vàng như: Vingroup và VID vào Vinatex; Vingroup vào Triển lãm Giảng Võ (VEFAC) có diện tích gần 7 ha; Vingroup hợp tác với LIX thông qua công ty con; tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn mua ga Hà Nội,...
Những cú mua bán sáp nhập (M&A) có liên quan tới BĐS được công bố công khai như vậy có lẽ mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Vì nhiều lý do nên không ít các vụ M&A diễn ra trong yên lặng.
Hối cuối 2014, người dân Hà Nội xôn xao về một thương vụ khiến cho một khách sạn nổi tiếng nhất nhì Hà Nội - khách sạn Thắng Lợi. Thông tin về vụ mua bán khá kín. Tuy nhiên, sau đó, tin từ nội bộ đã hé lộ, đại gia thâu tóm khách sạn không ai khác chính là tập đoàn của một nữ đại gia NH và BĐS có tiếng ở khu vực phía Bắc.
Trước đó, năm 2009, công ty quản lý quỹ VinaCapital công bố bán toàn bộ 70% cổ phần Khách sạn Hilton Hà Nội Opera, nằm ngay cạnh Nhà Hát Lớn, Hà Nội cho một doanh nhân Việt sau 3 năm mua lại từ các đối tác nước ngoài.
Mãi tới năm 2012, danh tính của đại gia Việt trong thương vụ M&A khủng nói trên mới được tiết lộ. Đó là bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG. Đầu năm 2013, giới đầu tư cũng chứng kiến sự xuất hiện của BRG với vai trò là chủ nhân của khách sạn Hilton thứ hai tại Hà Nội - Hilton Garden Inn, tại một vị trí đắc địa không kém, ngay giữa trung tâm thủ đô, ở đoạn cắt giữa phố Phan Chu Trinh và Trần Hưng Đạo.
Trước đó, sự xuất hiện của SeABank ngay trước Khách sạn Sông Nhuệ, cùng với việc khách sạn này được liệt kê trong danh sách các công ty thành viên của tập đoàn cũng khiến nhiều người cho rằng, bà Nga đã trở thành cổ đông của một trong những khách sạn đẹp nhất Hà Đông này.
Năm 2009, tại đại hội cổ đông đầu tiên của CTCP Intimex - một DN có nhiều BĐS ở các vị trí đắc địa, trong đó có mảnh đất trên đường Lê Thái Tổ nhìn ra Hồ Gươm - bà Nga đã xuất hiện với tư cách là đại diện cho nhóm cổ đông lớn sở hữu lượng lớn vốn của DN này. Bà Nga đã được bầu làm chủ tịch Intimex từ 2009.
Có thể thấy, mua bán thâu tóm BĐS luôn là vấn đề nóng nên một số đại gia ít khi công bố công khai. Các giao dịch diễn ra trong vòng bí mật bởi họ sợ sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng và công việc kinh doanh. Hơn thế, gần đây, nhiều đại gia đang theo xu hướng ẩn mình, giấu sự giàu có một cách kín đáo hơn.

Theo Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo