Hỗ trợ doanh nghiệp

Đại gia Thái đánh chiếm 4 lĩnh vực béo bở ở Việt Nam

Từ bán thịt, trứng, cho tới đầu tư hóa dầu, khu công nghiệp..., các đại gia Thái Lan đang xây dựng nền móng vững chắc tại các lĩnh vực quan trọng ở Việt Nam.

1. Bán lẻ

 
Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012, Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev của ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ ba Thái Lan với tổng tài sản 11,3 tỷ USD theo xếp hạng của Forbes 2014 đã chọn cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC).
 
Không dừng lại ở những hệ thống trên, giữa 2014, công ty này đã tạo bất ngờ khi công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD. Tuy nhiên, thương vụ này cũng đang vấp phải nhiều cản trở khi đại hội cổ đông đầu năm, gần 88,5% cổ đông thiểu số tham gia đã bỏ phiếu không thông qua thương vụ mua lại này. Sự việc đang được phía công ty xem xét lại.
 
Tiến vào Việt Nam sau Tập đoàn ThaiBev, Central Group của gia đình Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan đặt chân vào Việt Nam với việc mở trung tâm mua sắm tại Hà Nội đầu tháng 4/2014, mang tên Robins. Vài tháng sau đó, đại gia này tiếp tục chi thêm 4 triệu USD mở trung tâm thứ 2 tại TP HCM. Cả 2 trung tâm này tập trung nhiều nhãn hiệu cao cấp đến từ các nước trên thế giới, trong đó hàng Thái Lan chiếm số lượng lớn.
 
Mặc dù chỉ mới tấn công vào thị trường Việt chưa đầy một năm nhưng để nhanh chóng bành trướng cũng định vị tại Việt Nam, Central Group tiếp tục bùng nổ khi nhanh chóng để Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Theo đại diện của công ty này, việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp công ty mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Nguyễn Kim hiện có 21 siêu thị điện máy trên cả nước, là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. 
 
Chỉ trong vòng một năm, Central Group đã mở 2 trung tâm thương mại lớn ở TP HCM, Hà Nội và tiếp tục mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim.
 
2. Thực phẩm
 
Bên cạnh lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm cũng là “miếng bánh” béo bở mà nhiều tỷ phú Thái nhòm ngó. Đầu 2013, ThaiBev đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát Fraser&Neave (F&N), tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore.
 
Cũng chính từ sở hữu F&N, tập đoàn đã nhanh chóng thông qua công ty con F&N Dairy Investment mua 9,5% cổ phần Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Đến tháng 8/2014, công ty tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 11% với việc mua 15 triệu cổ phiếu Vinamilk, giá bình quân 113.000 đồng. Đây cũng là cổ đông nước ngoài lớn nhất của hãng sữa này.
 
F&N Dairy Investments Pte Ltd hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, hoạt động chính trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, do tỷ phú Thái Lan - ông Charoen Sirivadhanabhakdi làm Chủ tịch.
 
Bên cạnh ngành sữa, đồ uống cũng đang được tỷ phú này mong muốn sở hữu. Trong 2014, đơn vị đã có buổi gặp gỡ với quan chức Chính phủ Việt Nam và có đề nghị muốn mua số lượng lớn cổ phần tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Theo đó, ThaiBev đã định giá Sabeco 2 tỷ USD. Tuy nhiên, lãnh đạo Sabeco cho hay việc định giá trên chưa sát với thực tế. Hiện, 89% cổ phần tại công ty bia này vẫn do Bộ Công Thương nắm giữ.
 
3. Nông nghiệp
 
Cũng là một trong 3 đại gia bán lẻ của Thái Lan, tuy nhiên, CP Group, công ty của ông Dhani Chearavanont lại chọn cách tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua lĩnh vực nông nghiệp.
 
Có mặt từ năm 1990 với văn phòng đại diện tại TP HCM, và nay đã có công ty mang tên Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai. C.P Việt Nam liên tục mở rộng quy mô đầu tư, đến nay công ty đã nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và khoảng 22% thịt gà công nghiệp tại Việt Nam.
 
Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, C.P Việt Nam chiếm khoảng 18% thị phần và cùng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác chiếm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam.
 
Hiện tại, CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nội và Hải Dương.

4. Công nghiệp
 
Đến nay, tại Việt Nam SCG đã có hơn 19 công ty thành viên với tổng tài sản trên 580 triệu USD.
 
Ở lĩnh vực này, các đại gia Thái Lan nhanh chân len lỏi vào thị trường khá sớm, từ  đầu tư hạ tầng công nghiệp cho tới các sản phẩm thiết yếu.
 
Là tập đoàn kinh doanh đa ngành với những mảng cốt lõi như giấy, xi măng, vật liệu xây dựng, Siam Cement Group (SCG) có mặt ở Việt Nam từ năm 1992. Tập đoàn này được thị trường biết đến nhiều hơn nhờ vào thương vụ mua lại 85% vốn của Prime Group, với giá 239,6 triệu USD, tương đương 5.000 tỷ đồng thời điểm 2012. Prime Group là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam, chuyên sản xuất gạch ốp lát.
 
Không dừng lại ở đó, SCG còn tiếp tục thông qua đơn vị thành viên là The Nawaplastic Industries (Saraburi) nắm giữ số lượng cổ phần trong hai doanh nghiệp nhựa lớn của Việt Nam là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã CK: NTP) và Nhựa Bình Minh (Mã CK: BMP). Đến nay, tại Việt Nam SCG đã có hơn 19 công ty thành viên với tổng tài sản trên 580 triệu USD và hơn 6.400 nhân viên. SCG còn đang theo đuổi đầu tư ở Việt Nam với dự án Tổ hợp hóa dầu tại miền Nam, tổng đầu tư trên 4,5 tỷ USD.
 
Là nhà phát triển thành phố công nghiệp lớn của châu Á, Tập đoàn Amata của ông Vikrom Kromadit (Thái Lan) cũng nhanh chóng tạo tiếng vang khi đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai vào năm 1994 với diện tích 700ha. Tổng vốn đầu tư vào khu công nghiệp thuộc hạng "kiểu mẫu" này đến nay đã lên tới hơn 1,9 tỷ USD.
 
Sau thành công của khu công nghiệp trên, năm 2012, Amata quyết định đầu tư dự án Amata Express City tại Long Thành, Đồng Nai với tổng vốn đầu tư ước tính 20 tỷ USD. Đến nay, dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương và thỏa thuận địa điểm. Nơi đây cũng được kỳ vọng trở thành Trung tâm tài chính của châu Á.
 
Ngoài các dự án trên, Amata còn tiến ra Quảng Ninh lập dự án Future City 3.000 ha (khu công nghiệp kết hợp đô thị) để thu hút các nhà đầu tư Thái.
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo