Đại gia thủy sản miền Tây chìm trong nợ nần
Những ngày này công nhân thủy sản trong Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) và Khu công nghiệp Hòa Trung (Cà Mau) cứ thưa thớt dần.
(VnExpress) Dọc theo quốc lộ 1A đi qua vùng tôm nguyên liệu lớn nhất cả nước là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau cũng không còn nhiều "chợ" công nhân hoạt động nhộn nhịp sau giờ tan ca như vài năm trước. Đây là tín hiệu bất an cho ngành thủy sản, dù đã có một vài đại gia tái cấu trúc nợ nần thành công, khôi phục sản xuất với kế hoạch đạt kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD cho mỗi công ty trong hai năm tới.
Tại khu công nghiệp Trà Nóc, Công ty TNHH Xuất nhâp khẩu An Khang vẫn còn mở cửa, nhưng đón khoảng 70 công nhân vào làm việc dưới sự điều hành của Giám đốc Trần Hồng Quân. Bản thân ông Quân đã bị khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cách nay nửa năm, nay được tại ngoại. Một nhân viên phụ trách kinh doanh cho biết từ khi Phó giám đốc Nguyễn Thị Thu Sương (con ông Quân) vướng lao lý, Công ty An Khang hoạt động cầm chừng từ tháng 8/2011 với khoản nợ trên 370 tỷ đồng. Để nhà xưởng không bị hư hỏng, công ty nhận gia công chả cá cho Công ty TNHH Nam Mỹ và biển hiệu của An Khang được gỡ bỏ 3 chữ "xuất nhập khẩu".
"Trước đây mỗi tháng gia công khoảng 120 tấn vè, vụn cá tra nhưng hiện đã giảm hơn một nửa vì doanh nghiệp Hàn Quốc tranh mua nguyên liệu với giá cao hơn. Hoạt động cầm chừng, lãi chỉ đủ trả lương công nhân", nhân viên kinh doanh cho biết.
Tương tự, Công ty Thiên Mã cũng hoạt động cầm chừng, gia công cá tra cho doanh nghiệp khác để lấy tiền nuôi công nhân, chờ tái cơ cấu khoản nợ 700 tỷ đồng. Bi đát hơn là Công ty TNHH Vĩnh Nguyên đã được ông chủ trẻ Lê Tùng Huy bán lại cho doanh nghiệp khác. Hiện chủ mới của Vĩnh Nguyên cho xây lại nhà xưởng, thông báo tuyển 100 công nhân nữ với mức lương từ 3-6 triệu đồng một tháng nhưng thời gian công ty hoạt động trở lại chưa được ấn định.
Tại Cà Mau, một năm trước doanh nhân 35 tuổi Phạm Tiến Dũng tham gia vào HĐQT của hàng loạt công ty thủy sản như Việt Hải, Ngọc Châu và Đại Dương. Sau khi buông Thủy sản Ngọc Châu cho vợ chồng doanh nhân ngành địa ốc ở TP HCM, ông Dũng tiếp tục làm chủ Công ty TNHH Việt Hải và Công ty cổ phần Thủy sản Đại Dương với vốn điều lệ của mổi công ty là 120 tỷ đồng. Thế nhưng 11 tháng qua Việt Hải đóng cửa liên tục, nhiều công nhân cũ vẫn còn bị nợ lương.
Đối với Thủy sản Đại Dương, khi lãnh đạo tỉnh Cà Mau có chủ trương tái cơ cấu lại nợ nần (vay chủ yếu của Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Phát triển), công ty hoạt động ổn định trở lại vào đầu tháng 5/2013. Hiện Đại Dương có khoảng 240 công nhân làm việc với mức lương hơn 2 triệu đồng một tháng, tiêu thụ 15 tấn tôm nguyên liệu mỗi ngày dưới sự điều hành của thành viên HĐQT là ông Hứa Đình Văn.
Công ty Đại Dương hoạt động trở lại sau khi có chủ mới và được ngân hàng cho vay vốn trở lại.
Đại diện Công ty Đại Dương - cho biết nguyên nhân doanh nghiệp lún vào nợ nần dẫn đến khó khăn cho lãi suất vay vốn cao, ngân hàng thắt chặt tín dụng vào năm 2011. Sau nhiều tháng hoạt động cầm chừng, tháng 4/2012 Ngân hàng Quân đội cho Đại Dương vay để mua nguyên liệu sản xuất nhưng đến tháng 8/2012 thu hồi vốn làm doanh nghiệp "chết đứng".
"Đang lúc khó khăn thì Chủ tịch HĐQT cũ bệnh, mất. Giám đốc trước đây ủy quyền lại việc điều hành cho người khác để 'bỏ xứ' đi đâu không rõ càng làm cho công ty rối thêm. Được UBND tỉnh Cà Mau quan tâm tái cơ cấu lại nợ nần, khôi phục sản xuất để tạo an sinh xã hội nên Ngân hàng Nông nghiệp cho vay vốn lưu động để mua nguyên liệu hoạt động ổn định", ông cho biết thêm.
Tương tự, ông chủ đầu tiên của Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu cũng “bỏ của chạy lấy người” khi doanh nghiệp lún vào nợ nần. "Đại gia" thủy sản này sau khi giao công ty cho chủ mới đã lên TP HCM tham gia mở nhà hàng hoành tráng tại TP HCM, bỏ lại khoản nợ hơn 100 tỷ đồng.
Một nhân viên gắn bó nhiều năm với Thủy sản Minh Châu cho biết những ngày đầu mới tiếp nhận công ty, ông bà chủ mới đã bỏ tiền túi trả lương cho công nhân vì bao nhiêu hàng hóa xuất ra đều bị ngân hàng lấy hết để thu hồi nợ. Hai tháng nay doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, có tiền trả lương cho hơn 100 công nhân và tuyển gấp 60 lao động nữ ở khâu phân cở, xếp hộp, băng chuyền…
Còn tại Sóc Trăng, sau khi đại gia Thủy sản Phương Nam Lâm Ngọc Khuân qua Mỹ, bỏ lại khoản nợ 1.600 tỷ đồng, doanh nghiệp từ vị trí thứ 2 trong ngành xuất khẩu thủy sản của cả nước với 3.200 công nhân đã giảm xuống còn 690 người. Được chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền cùng các chủ nợ ngân hàng tham gia tái cơ cấu, Công ty Phương Nam công bố lại giấy phép kinh doanh mới, thông báo tuyển 1.000 công nhân với kế hoạch đạt kim ngạch xuất khẩu từ 70-80 triệu USD vào năm 2015.
Còn Thủy sản Bình An, từ một doanh nghiệp nợ 1.800 tỷ đồng cách nay một năm, nguyên Tổng giám đốc Trần Văn Trí cùng Ngân hàng SHB thống nhất tái cơ cấu toàn diện, Bianfishco hoạt động hiệu quả trở lại với 70 tấn cá tra nguyên liệu tiêu thụ mỗi ngày, tạo công ăn việc làm cho 2.000 công nhân. Ngày 18/6, Thủy sản Bình An tổ chức đại hội cổ đông, bầu bổ sung thành viên HĐQT là một doanh nhân trong ngành cao su khi người nắm giữ hơn 20% cổ phần là chồng đại gia Diệu Hiền có đơn xin từ nhiệm. Hiện ông Trí là thành viên HĐQT Công ty Phương Nam và được phân công làm tổ trưởng xử lý tài sản ngoài nhà máy để giúp công ty giảm bớt nợ.
Công ty Việt Hải ngưng sản xuất gần 1 năm nay, nhà xưởng đóng cửa, hoang vắng
Trao đổi với phóng viên, ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau (Casep), cho biết toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp thủy sản với 34 nhà máy có tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu lên đến 250.000 tấn tôm một năm. Trong khi đó, tổng sản lượng tôm nuôi và khai thác tự nhiên của tỉnh trung bình một năm khoảng 140.000 tấn.
"Nếu tất cả tôm nuôi và khai thác không bán ra ngoài tỉnh thì doanh nghiệp hoạt động 60-70% công suất. Trong cơ chế thị trường như hiện nay, người nuôi tôm và các địa lý bán ra ngoài tỉnh rất nhiều nên các nhà máy thủy sản ở Cà Mau chỉ hoạt động 40% công suất và doanh nghiệp nào mua tiền mặt mới có nguyên liệu", ông Thuận khẳng định.
Cũng theo ông Thuận, do đầu tư nhà máy lớn nhưng hoạt động không hết công suất và chủ yếu kinh doanh từ vốn vay đã làm cho giá thành sản xuất tăng cao dẫn đến không có lãi. Khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, doanh nghiệp không có tiền mua nguyên liệu dẫn đến hoạt động cầm chừng. Ông đưa ra ví dụ dễ hiểu như đầu tư xe đò 52 chỗ mà mỗi ngày chỉ đón được 20 khách, lỗ cộng dồn lâu ngày làm doanh nghiệp mất vốn, phá sản.
"Đã vậy mà doanh nghiệp còn xây thêm nhà máy bằng vốn vay rồi lâm vào cảnh nợ nần, hoạt động cầm chừng. Đây là nguyên nhân Cà Mau có khoảng 35% doanh nghiệp gần như đóng cửa, gọi nôm na là 'chết mà chưa chôn' trong khi nợ ngân hàng đầm đìa", Chủ tịch Casep cho biết thêm.
Duy Khang
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo