Hỗ trợ doanh nghiệp

Đắk Lắk kêu gọi vốn đầu tư vào chế biến nông, lâm sản

Đắk Lắk đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng về công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với nhu cầu thị trường, dựa trên các vùng nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn.
Tiềm năng dồi dào
 
Tỉnh Đắk Lắk hội đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào cho việc xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản, như nhà máy chế biến cà phê hòa tan, chế biến mủ cao su, các sản phẩm từ gỗ, chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm, đồ hộp, nước ép trái cây...
 
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch đầu tư khá đồng bộ, như Quốc lộ 14, Quốc lộ 26, Quốc lộ 29, Sân bay Buôn Ma Thuột, hệ thống điện khá ổn định, hệ thống xử lý và cấp nước phục vụ các khu, cụm công nghiệp và người dân được đánh giá khá hoàn thiện.
 
Ông Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp,m với tổng diện tích hơn 578 ha. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp, như đầu tư giải phóng mặt bằng, xử lý nước thải, cổng tường rào bao quanh, trục giao thông chính... Hầu hết các khu, cụm công nghiệp đang từng bước được đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư vào khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
 
Theo ông Hải, tăng trưởng ngành dịch vụ của tỉnh bình quân hàng năm đạt trên 22%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng bình quân 27,3%/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 39 chợ thành thị, 107 chợ nông thôn và một số trung tâm thương mại, siêu thị đang hoạt động, như hệ thống Siêu thị Vinatex Mart, Siêu thị Co.opMart, Metro và nhiều siêu thị hàng tiêu dùng, điện máy các loại. Hoạt động này là điều kiện tốt cho việc phát triển các dịch vụ tài chính, giao thương, buôn bán của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cũng như nhân dân trong tỉnh.
 
Trong những năm gần đây, sản phẩm cà phê, cao su, hồ tiêu, mật ong, ca cao của tỉnh đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, riêng mặt hàng cà phê chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
 
Về cơ cấu hàng hoá xuất, nhập khẩu, Đắk Lắk chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô (thành phẩm chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng số lượng hàng hóa xuất khẩu), trong khi nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, như phân bón, hóa chất, hạt nhựa PE, máy cày, máy móc thiết bị...
 
Về du lịch, ông Hải cho biết, đây là ngành có tốc độ phát triển khá. Doanh thu từ ngành du lịch tăng bình quân trên 17%/năm, chủ yếu là du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa dựa trên cơ sở khôi phục và phát huy các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đắk Lắk có nhiều danh lam thắng cảnh, như Hồ Lắk, Buôn Đôn, thác Krông Kmar, thác Thủy Tiên, thác Đray Nur, có các vườn quốc gia, như Chư Yang Sin, Yok Đôn, Vườn bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nam Kar... Đặc biệt, Đắk Lắk là nôi nuôi dưỡng “Không gian văn hóa cồng chiêng”, được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại.
 
Đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ xúc tiến
 
Theo ông Hải, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển, góp phần xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên, một cực phát triển trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Đắk Lắk rất quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển và vận động, thu hút viện trợ.
 
Ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2006 đến nay, số dự án đầu tư đã thu hút được tăng lên đáng kể, với 540 dự án có tổng vốn đầu tư trên 65.000 tỷ đồng. Trong đó, có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 166,768 triệu USD, thuộc các lĩnh vực chế biến nông sản, sơ chế thức ăn gia súc, sản xuất nhiên liệu sinh học, trồng hoa xuất khẩu và 532 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 61.800 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy điện, công nghiệp và thương mại dịch vụ.
 
Về đầu tư ra nước ngoài, hiện tỉnh có 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 2 dự án do Công ty Cao su Đắk Lắk làm chủ đầu tư là: Dự án Đầu tư trồng cao su ở Lào (vốn đầu tư 50 triệu USD) và Dự án Trồng mới 10.000 ha cây công nghiệp ở Campuchia (tổng mức đầu tư 10 triệu USD). Hai dự án còn lại là Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy phân vi sinh ở Lào (vốn đầu tư 175.000 USD) của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Thiên Phúc và Dự án Trồng 5.800 ha cây cao su tại tỉnh Ratanakiri (Campuchia) của Công ty Cao su Krông Búk liên kết với đối tác ở tỉnh Ratanakiri (vốn đầu tư 41,5 triệu USD).
 
Hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư sản xuất máy móc, thiết bị công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phương tiện vận chuyển, máy sấy, chế biến các sản phẩm cà phê, cao su xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ về phương tiện, thiết bị vận tải cho người nông dân... Đặc biệt, tỉnh kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp theo hướng khai thác các tiềm năng về công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với nhu cầu thị trường và dựa trên các vùng nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển cơ khí nông nghiệp...
 
“Trong những năm qua, tỉnh đã không ngừng tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, hoàn thiện cơ chế, ban hành một số chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư, như giảm phí hạ tầng cho nhà đầu tư, tỉnh có chính sách hỗ trợ các hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng đường trục chính, công trình xử lý nước thải tập trung, cổng  tường rào, chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, riêng các dự án thực hiện trong cụm công nghiệp được áp dụng giá thuê đất thô ở mức thấp nhất”, ông Hoàng Trọng Hải khẳng định.
 
Để Tây Nguyên thật sự phát triển mang tính đột phá, ông Hải cho rằng, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích thu hút đầu tư riêng cho các tỉnh Tây Nguyên, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu tài nguyên này.
 
Riêng trong lĩnh vực xúc tiến, ông Hải kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổ chức các cuộc họp giao ban để đánh giá tình hình hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư của các địa phương trong khu vực. Đồng thời, xây dựng chương trình tổ chức xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tạo điều kiện các phương được tham gia để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
 
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần có sự phối hợp tốt hơn trong hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá tiềm năng thế mạnh của từng tỉnh và của cả vùng, từ đó xác định danh mục dự án đầu tư trọng điểm, ưu tiên kêu gọi đầu tư, tránh tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh đó kêu gọi đầu tư, dẫn đến môi trường đầu tư cạnh tranh không lành mạnh.
 
Các tỉnh cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch ngành, quy hoạch vùng đảm bảo phù hợp với mục tiêu chung của cả nước, của từng tỉnh và của cả vùng, để tạo động lực phát triển chung cho cả vùng và cho từng tỉnh.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo