Hỗ trợ doanh nghiệp

Đạm Cà Mau mục tiêu lãi trước thuế 685 tỷ đồng

Cổ đông lớn PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51% trong năm 2018, so với mức 75,5% hiện tại.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã CK: DCM) vừa công bố tài liệu cho phiên họp thường niên năm 2018 với những kế hoạch về hoạt động kinh doanh và lộ trình thoái vốn của cổ đông lớn.

Theo tài liệu này, Đạm Cà Mau dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch 5.500 tỷ doanh thu và 685 tỷ lợi nhuận trước thuế năm 2018. Ngoài ra, công ty dự kiến tìm kiếm đối tác để thoái vốn của PVN xuống còn 51%, theo phương án tái cấu trúc được Chính phủ phê duyệt.

PVN sẽ thoái gần 25% vốn tại Đạm Cà Mau trong năm 2018.

Nhà máy Đạm Cà Mau, với công suất 800.000 tấn mỗi năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2012. Hai năm sau đó công ty tiến hành cổ phần hóa và đến đầu năm 2015 chính thức đi vào hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ được duy trì đến hiện nay gần 5.300 tỷ đồng.

Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và buôn bán các loại phân bón và hóa chất. Trong đó, mảng cốt lõi của công ty vẫn là sản xuất và buôn bán bộ sản phẩm Phân bón mang thương hiệu Đạm Cà Mau, chiếm hơn 90% doanh thu và lợi nhuận hàng năm.

Trong số các doanh nghiệp sản xuất ure, sản lượng của Đạm Cà Mau cũng xấp xỉ Đạm Phú Mỹ. Tuy nhiên, Đạm Cà Mau lại là đơn vị duy nhất sản xuất được ure hạt đục tại Việt Nam, sản phẩm được Công ty chứng khoán VCB (VCBS) đánh giá có lợi thế hơn so với loại khác.

Tây Nam Bộ là thị trường chính của Đạm Cà Mau với thị phần khoảng 60% trong năm 2017, tăng 7% so với năm 2016. Lợi thế của công ty là vị trí nhà máy thuận lợi, qua đó tiết kiệm được chi phí vận chuyển, hơn 50% lượng ure sản xuất của công ty được bán tại khu vực này. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu của Đạm Cà Mau chỉ khoảng 5,2%, trong khi tỷ lệ này của Đạm Phú Mỹ gần gấp đôi.

Ngoài Tây Nam Bộ, Campuchia cũng đang trở thành một thị trường quan trọng. Nhu cầu ure của thị trường Campuchia khoảng 250.000-280.000 tấn mỗi năm. Trong đó, ure hạt đục chiếm khoảng 95% tổng lượng ure tiêu thụ tại thị trường này. Campuchia tiếp giáp với vùng Tây Nam Bộ nhờ có hệ thống sông Mekong, nhờ vậy việc vận chuyển bằng đường thủy từ nhà máy Đạm Cà Mau đến thị trường này thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác vận chuyển bằng đường bộ.

 

Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác, sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc và giá nguyên liệu đầu vào tăng tạo áp lực cho hoạt động của Đạm Cà Mau. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cung cấp phân bón cho Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng phân bón nhập khẩu từ thị trường này tăng 20% đạt gần 2,4 triệu tấn tương đương 641 triệu USD.

Biến động giá khí thiên nhiên cũng là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận gộp nhiều doanh nghiệp sản xuất. Giá vốn hàng bán chiếm trung bình khoảng 70-77% tổng doanh thu, trong đó khí thiên nhiên thường chiếm 70% giá vốn hàng bán của mặt hàng này.

Nhưng khác với nhiều doanh nghiệp trong ngành, Đạm Cà Mau vẫn đang trong giai đoạn được hỗ trợ giá từ PVN theo hợp đồng mua bán khí được điều chỉnh hằng năm giai đoạn từ 2015-2018, đảm bảo suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của DCM đạt trên 12%.

Với lợi thế về nguyên liệu đầu vào được bảo đảm từ PVN đến hết năm 2018, cùng với đó là thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi giảm 50% giúp Đạm Cà Mau liên tục gia tăng thị phần của công ty không chỉ trong nước mà còn ở một số quốc gia như Campuchia, Lào, Myanmar… Từ tháng 10/2016, công ty cũng hoàn tất việc nâng công suất nhà máy lên 110%, với công suất hiện tại sản lượng phân bón được sản xuất tối đa đạt 880.000 tấn Ure mỗi năm.

Theo kế hoạch năm nay được ban lãnh đạo trình cổ đông, Đạm Cà Mau dự kiến đạt gần 5.500 tỷ doanh thu và 685 tỷ lợi nhuận trước thuế. Tỷ lệ cổ tức năm 2018 dự kiến 9%, tương đương kế hoạch chia cổ tức năm 2017.

 

Công ty đặt mục tiêu triển khai các dự án, bao gồm Dự án nhà máy sản xuất phân bón phức hợp từ ure nóng chảy công suất 300.000 tấn mỗi năm và dự án cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn mỗi năm. Tổng mức đầu tư cho năm nay dự kiến gần 736 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị.

Năm 2017, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành với hiệu suất lên tới 108% công suất, qua đó đưa sản lượng cán mốc 850.000 tấn, hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng. Công ty tiêu thụ được 940.000 tấn phân bón các loại, giúp doanh thu tăng trưởng trên 10% so với năm trước.

Kết thúc quý I/2018, Đạm Cà Mau đạt 1.315 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, với lợi nhuận sau thuế gần 260 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau tăng lên hơn 6.394 tỷ đồng ở thời điểm tháng 3, trên vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng. 

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Đạm Cà Mau dự kiến diễn ra ngày 12/6. Theo đó PVN sẽ thoái một phần vốn tại công ty trong năm 2018 xuống 51%. Theo báo cáo tài chính của Đạm Cà Mau, tỷ lệ sở hữu của PVN hiện là hơn 75,5%.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo