Đánh bom liều chết Thổ Nhĩ Kỳ: "Tôi ngửi thấy mùi da thịt cháy khét"
Sáng 10/10, hai quả bom đã phát nổ tại một giao lộ gần nhà ga trung tâm ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ khiến 97 người chết, 246 người bị thương, trong đó 48 người bị thương nặng. Được biết, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhận định của nhà điều tra, vụ đánh bom có nhiều dấu hiệu hướng đến vụ tấn công khủng bố. Ngay sau xảy ra, vụ việc tạo lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người dân Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí lan rộng toàn châu Âu.
"Khi nghe thấy tiếng nổ đột ngột đầu tiên, tôi đã cố gắng tìm cách bảo vệ mình. Vụ nổ mạnh khiến các cửa sổ vỡ tung. Ngay lập tức sau đó lại một tiếng nổ thứ hai khủng khiếp vang lên", một nhân chứng tên Serdar, 37 tuổi, làm việc tại quầy báo ở ga tàu kể lại.
Vụ nổ mạnh đến mức một nhân chứng cho biết người này bị "văng ra hai hoặc ba mét". "Có tiếng la hét, gào khóc và kêu cứu. Tôi đã trốn ở dưới sạp báo một lúc. Sau đó, tôi ngửi thấy mùi da thịt bị cháy khét...", nhân chứng bàng hoàng kể lại.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tính đến thời điểm hiện tại, 97 người đã thiệt mạng và 246 người bị thương sau vụ nổ. Tại hiện trường, hàng chục thi thể đầy máu nằm trên mặt đất, một số được phủ lên tấm biểu ngữ của Đảng đối lập Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd, bên tổ chức cuộc tuần hành.
"Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn và ngay sau đó là tiếng nổ nhỏ hơn, rồi mọi người sợ hãi chạy tán loạn. Tôi thấy xác chết nằm la liệt quanh nhà ga. Một cuộc biểu tình nhằm thúc đẩy hòa bình lại biến thành một vụ thảm sát. Tôi không tài nào hiểu nổi", ông Ahmet Onen, một nhân chứng trong vụ nổ vừa khóc vừa nói với phóng viên.
Trong một diễn biến liên quan, tối 10/10, các tuyến đường của thành phố Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ đen nghịt người biểu tình, phản đối hành động đánh bom vào đoàn diễu hành kêu gọi chấm dứt bạo lực với nhóm ly khai người Kurd, PKK.
Trước tình trạng hỗn loạn, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã phải huy động một lượng lớn quân số để giải tán người biểu tình và dùng vòi rồng, hơi cay để trấn áp đám đông trong khi nhà chức trách đang tập trung điều tra nguyên nhân vụ đánh bom.
Làn sóng phẫn nộ không chỉ xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở thủ đô Paris nước Pháp, cảnh sát cho biết khoảng 1.000 người tham gia biểu tình, chủ yếu là người Kurd. Ở Strasbourg, miền bắc nước Pháp cũng có hàng trăm người khác xuống đường, và ở thành phố Marseille cũng có số lượng người tương tự phản đối vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở thành phố Zurich của Thụy Sĩ cũng có một ngàn người xuống đường để thể hiện sự phản đối trong không khí ôn hòa. Tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, ước đoán có 10.000 người tham gia biểu tình và diễu hành trên nhiều đường phố để phản đối những cuộc tấn công giết người hàng loạt như vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Ankara.
End of content
Không có tin nào tiếp theo