Hỗ trợ doanh nghiệp

Đầu tư cho đội tàu Vinalines: Trăm nghìn tỷ đồng có ném xuống biển?

Dự kiến, đội tàu biển của Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ được đầu tư 100 nghìn tỷ đồng để phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đội tàu của Vinalines nhiều năm làm ăn thua lỗ, hoạt động ì ạch, việc đầu tư 100 nghìn tỷ đồng vào đây liệu có ném tiền xuống biển?

Theo đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ Giao thông vận tải (4/2012), cơ quan này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đầu tư thêm 100.000 tỷ đồng cho đội tàu của Vinalines.

 

Trong đó gồm hai phân kỳ đầu tư: Từ 2012-2015 đầu tư 30.000 tỷ đồng để Vinalines mua, đóng mới thêm 67 tàu; Từ 2016-2020: mua, đóng thêm 95 tàu, tổng vốn đầu tư giai đoạn này là 70.000 tỷ đồng.

 

Cũng nằm trong đề án này, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu đưa tổng tải trọng đội tàu của Vinalines lên ít nhất 15 triệu tấn với các tàu vận tải quốc tế đủ chủng loại.



Tuy nhiên, cuối năm 2011, Vinalines cũng đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch đầu tư đội tàu giai đoạn 2011-2015 và đến 2020.

 

Theo Vinalines, tính đến hết năm 2011, đội tàu của Vinalines có 154 chiếc, với 3,4 triệu tấn trọng tải, chiếm 45% tổng tải trọng của đội tàu biển quốc gia.

 

Hạn chế của đội tàu là tàu hàng khô vẫn chiếm tỉ trọng lớn, quy mô của đội tàu container và đội tàu chở dầu sản phẩm còn nhỏ. Một số doanh nghiệp trong ngành vận tải biển cho biết mặc dù công bố đội tàu khá hùng hậu về số lượng, nhưng thực tế đội tàu của Vinalines lại không khai thác hết mà dành để cho thuê khá nhiều.



Ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng Giám đốc Vinalines cho biết: “Sau quý I-2012, tình hình kinh tế thế giới cũng như thị trường vận tải biển chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cước vẫn ở mức thấp. Căn cứ vào đó, Vinalines đã xây dựng lại kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2020”.

 

Theo đó, kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015 sẽ đầu tư khoảng 1,1 triệu tấn, kinh phí khoảng  22 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đóng mới 29 tàu với trọng tải khoảng 920 nghìn tấn, mua tàu đang khai thác khoảng 90 nghìn tấn.

 

Đến năm 2015, trọng tải đội tàu của Vinalines đạt 3,9 triệu tấn. Giai đoạn 2016-2020 dự kiến nền kinh tế thế giới và thị trường vận tải biển bắt đầu hồi phục, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ có điều kiện tăng tích lũy nên sẽ đầu tư 2,5 triệu tấn, khoảng 46 nghìn tỷ đồng, cũng thông qua hai hình thức đóng mới mà mua tàu đã qua sử dụng.

 

Mục tiêu, đến năm 2020, trọng tải đội tàu của Vinalines sẽ là 5,6 triệu tấn. Vậy, kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải đưa ra có quá tham vọng? 



Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho biết, nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư tàu sẽ được huy động chủ yếu từ nguồn vốn vay thương mại, vốn huy động từ thị trường chứng khoán và vốn tự có.

 

“Tổng công ty không sử dụng nguồn vốn cấp từ ngân  sách nhà nước cho các dự án đầu tư tàu. Riêng chương trình đóng mới tàu biển tại các nhà máy thuộc  Tập đoàn Vinashin, Vinalines đang làm việc với Ngân hàng phát triển Việt Nam để tìm nguồn vay ưu đãi”, ông Việt khẳng định.

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Việt, kế hoạch phát triển đội tàu của Vinalines cũng có thể tiếp tục được điều chỉnh, tùy theo diễn biến của nền kinh tế thế giới và thị trường vận tải quốc tế cũng như khả năng huy động vốn của tổng công ty này.



Như vậy, so với kế hoạch ban đầu của Vinalines, quy mô đầu tư đội tàu của đơn vị này đã giảm, tổng mức đầu tư cũng chỉ còn 68 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý và khó hiểu, trong khi Vinalines khẳng định sẽ không dùng tiền ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư tàu, thì Đề án hiện đại hóa của Bộ Giao thông vận tải lại đưa ra con số 100 nghìn tỷ đồng để đầu tư vào đội tàu của Vinalines.

 

 

Theo ANTĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo