Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam giảm mạnh
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, tại buổi đối thoại với với doanh nghiệp Hàn Quốc ngày 6/6 tại TP.Hồ Chí Minh, hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam. Tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, trong 5 tháng, có 58 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 220 triệu đô la Mỹ từ Hàn Quốc; tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của Hàn Quốc là 255 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, cùng kỳ năm ngoái, Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm tại Việt Nam là 522,89 triệu đô la Mỹ, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư.
Trao đổi với TBKTSG bên lề buổi đối thoại, ông Kim Jai Woo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc(Kocham) tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nên đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trên toàn thế giới đều sụt giảm, trong đó có Việt Nam. Cũng do sự khó khăn này, nên doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào bất động sản cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ông Kim Jai Woo cho rằng khi tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn thì doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ dần tăng đầu tư trở lại với thị trường Việt Nam vốn được coi là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Hiện Mỹ là điểm thu hút đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Hàn Quốc, với 4 triệu kiều bào Hàn Quốc đang sinh sống tại đây, tiếp đến là Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ ba của Hàn Quốc.
Tính đến nay có hơn 3.000 dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, với vốn đăng ký gần 24 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ hai sau Nhật Bản. Trong đó, Hàn Quốc đầu tư nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng 47%), tiếp đến là kinh doanh bất động sản (chiếm tỷ trọng 28%), xây dựng (9%),… Các tỉnh thành thu hút nhiều đầu tư nhất của Hàn Quốc, lần lượt là Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai,…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã đầu tư và kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, như Samsung, Kumho, GS, Posco, LG, CJ,...
Tính đầu tư cả nước nói chung, trong hơn 20 năm qua (từ năm 1988), năm 2008 là năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam nhiều nhất, với 71,3 tỉ đô la Mỹ, nhưng từ đấy đến nay FDI vào Việt Nam bị sụt giảm, xuống còn mức 15,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011.
Trong năm tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đang ký vào Việt Nam là 5,32 tỉ đô la Mỹ, giảm so với mức 7,8 tỉ đô la Mỹ của năm 2011 và mức 9 tỉ đô la Mỹ của năm 2010.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, mặc dù vốn đăng ký đầu tư giảm đi, nhưng vốn giải ngân vẫn đều đặn, với mức trung bình trong 5 tháng đầu năm là 4,5 tỉ đô la Mỹ.
Nhà đầu tư nước ngoài bị sức ép từ hàng nhập khẩu
Trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và quan chức của Việt Nam hôm 6/6 tại TP.Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết họ đang bị cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do các vấn đề về thuế.
Một doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết công ty của họ đầu tư tại Việt Nam và đang nhập dầu công nghiệp để gia công nhưng thuế nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm lại ngang bằng nhau (5%). Doanh nghiệp này cho biết, với thực tế này, họ thấy Việt Nam không còn là thị trường hấp dẫn để đầu tư.
Một doanh nghiệp khác của Hàn Quốc đang sản xuất nguyên liệu cho thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam cũng cho biết bị cạnh tranh từ hàng nhập khẩu đang có thuế suất 0%, giảm từ mức 5% của năm ngoái. “Hiện đa số nguyên liệu này tại Việt Nam là hàng nhập khẩu, còn công ty chúng tôi thì sản xuất tại Việt Nam, nên nay giảm xuống 0%, doanh nghiệp gặp khó khăn”, doanh nghiệp này nói.
Ngoài ra, tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng thắc mắc về việc không còn hưởng ưu đãi thuế cho các dự án bất động sản tại Việt Nam như trước, hay không còn hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên vật liệu cho dự án,…
Cuộc đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức. |
Theo TBKTSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo