Đầu tư hạ tầng bằng nguồn thu từ đất
Nguyên do: chính sách luôn đi sau thực tiễn.
Ông Phạm Đình Cường - cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho rằng nếu có chính sách phù hợp, có thể “bắt” cơ sở hạ tầng sẵn có tạo ra tiền để tái đầu tư, thay vì tăng thu phí từ người dân...
Có thể thu được 5 tỉ USD mỗi năm
"Chính sách về đất đai hiện nay luôn thay đổi, ban hành tháng trước nhưng tháng sau lộ bất cập..." Ông Phạm Đình Cường (cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính) |
Theo ông Cường, chính sách về đất đai hiện nay khá nhiều bất cập. Đơn cử là việc quy định giá đất theo thị trường chỉ mới nằm trên giấy, trong khi giá đất Nhà nước đưa ra còn quá thấp so với thực tế. Chẳng hạn, tại khu trung tâm Hà Nội, bảng giá đất của UBND Hà Nội công bố chỉ bằng 10% so với giá thị trường. Một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng chưa hiệu quả, chưa đúng mục đích nguồn nhà đất cũng là nguyên nhân khiến chúng ta thiếu vốn đầu tư xây trường học, bệnh viện, cầu đường...
Để khắc phục những hạn chế hiện nay, ông Cường cho biết Bộ Tài chính đã xây dựng đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất mà nếu làm tốt mỗi năm có thể thu được 5 tỉ USD. Theo đó, ông Cường cho biết tới đây Chính phủ sẽ không đưa ra khung giá đất, theo như đề xuất của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - môi trường. Thay vào đó, Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường. Bảng giá đất được xây dựng chi tiết theo vị trí, vùng, mục đích sử dụng,... Trong trường hợp bảng giá không sát giá thị trường, UBND có thể quyết định một mức giá cụ thể bằng cách sử dụng tư vấn, sau đó đưa ra hội đồng ủy ban quyết định.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, băn khoăn rằng mức thuế đất hiện chỉ 0,03% theo bảng giá đất của UBND cấp tỉnh hiện nay là quá thấp, rất khó có nguồn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Võ, tại các nước mức thấp nhất được áp dụng là 0,1% giá trị thị trường, nguồn lực này thu được là rất lớn. Do đó, ông Võ cho rằng VN cần phải đánh thuế tài sản như các nước để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng.
Lấy đất đầu tư vào đường
Trong giai đoạn 2011-2020, dự báo ngân sách nhà nước sẽ giảm chi khoảng 465.078 tỉ đồng nhờ thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ khu vực tư nhân; giảm chi khoảng 55.792 tỉ đồng nhờ việc bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Ông Cường cho biết để có tiền đầu tư, bảo trì hạ tầng, Bộ Tài chính đề xuất khai thác tiềm năng từ kết cấu hạ tầng từ đường sẵn có, bắt cơ sở hạ tầng đó tạo thêm tiền để đầu tư trở lại chứ không tăng thu tiền của người dân. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bán quyền thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những công trình kết cấu hạ tầng giao thông có khả năng và điều kiện thu thuận lợi. Như thế là không nhằm vào chủ phương tiện. Nhưng phương thức quản lý mới, thay vì đoạn đường đó thu phí theo từng lượt xe lưu thông qua thì bán quyền thu phí 30- 50 năm cho đơn vị nào có khả năng mua tổ chức thu phí.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất cho chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng các thành phần kinh tế được thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông để tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển cầu đường, cảng biển...
Theo Bộ Giao thông vận tải, do nguồn lực tài chính hạn hẹp và phải dốc sức tập trung ưu tiên thực hiện đầu tư xây dựng mới nên việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn mất cân đối giữa vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn bảo trì. Từ năm 2002 đến nay, vốn xây dựng cơ bản cho hệ thống quốc lộ chiếm khoảng 88-94%, trong khi vốn dành cho bảo trì chỉ đạt 6-12% tổng vốn. Chính điều này làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có xuống cấp nhanh chóng. Nếu những giải pháp trên thực hiện được thì chúng ta sẽ có đủ tiền để đầu tư nâng cấp đường sá.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo