Hỗ trợ doanh nghiệp

Đầu tư vào trong nước là bước đi hai chân vững chắc

Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, kiều hối năm 2013 đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD. Việc sử dụng nguồn kiều hối được đánh giá có bước chuyển biến tích cực và tác động tốt tới nền kinh tế Việt Nam.

Cần phải thu hút nhiều hơn nữa 

Bộ Chính trị đã triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, kêu gọi triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong toàn bộ hệ thống chính trị, xem người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn nội lực phát huy để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Nguyễn Thanh Sơn khẳng định:
 
"Từ khi thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, các chính sách ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con kiều bào. Gần 5 triệu kiều bào đang sinh sống tại 103 đất nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã góp phần quan trọng trong hoạt động chính trị đối ngoại, làm cầu nối giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bà con sinh sống". 
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cảm ơn lòng của bà con Việt Kiều tại Đức trong công cuộc xây dựng quê hương
 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nói rõ về bản tính của dân tộc Việt Nam với đức tính cần cù, chịu khó, trí tuệ, thông minh, đồng thời được sự quan tâm của Chính phủ, Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách, các hoạt động tích cực, bà con rất tin tưởng, đồng lòng hướng về quê hương, đất nước với tầm lòng chân thành nhất và mong muốn nhìn thấy một đất nước Việt Nam giàu mạnh.
 
Một trong những nguyên nhân các kiều bào hướng về đất nước, giúp đỡ gia đình làm ăn, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho lực lượng trí thức là vì hiện nay, đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng muốn phát huy tốt nhất nguồn lực của kiều bào, nên tiếp tục lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của kiều bào để có những cơ chế chính sách, có những bước đi đúng hơn nữa, chính xác hơn nữa, tạo thuận lợi tối đa để bà con kiều bào tiếp tục củng cố và phát triển nguồn lực hết sức quan trọng này. 
 
Đứng thứ 9 thế giới về tiếp nhận kiều hối
 
Năm 2013, theo thống kê của các cơ quan tài chính Việt Nam cũng như quốc tế, Việt Nam là một trong 9 nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất. Năm 2012 con số này đạt 10,5 tỷ USD và năm 2013 đạt 11 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 9,75 tỷ USD trong năm 2012. Tính chung, kiều hối chuyển về Việt Nam từ 1993 đến 2013 đạt khoảng 84 tỷ USD.
 
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng cao, với bình quân thời kỳ 1994 - 2012 tăng 24%/năm và hầu như tăng liên tục qua các năm (chỉ giảm trong năm 1997 do khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực và năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới).
 
Viêt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về lượng kiều hối
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng việc khuyến khích kiều bào đầu tư làm ăn ở Việt Nam là hướng đi rất đúng. Ngoài những doanh nghiệp, doanh nhân phát triển rất tốt ở nước ngoài, nhiều kiều bào cũng mong muốn được phát triển sự nghiệp ở trong nước. 
 
Theo Thứ trưởng, đầu tư vào trong nước là bước đi "hai chân vững chắc". Một là dành tình cảm, nguồn vốn và khả năng của mình cho quê hương đất nước, cho cội nguồn, một mặt củng cố được vị thế ở quốc gia sở tại mà bà con đang sinh sống, để không những đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội tại chỗ, mà còn đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc. 
 
Bởi lượng kiều hối đã tác động đến nhiều mặt, như góp phần làm cho cán cân thanh toán tiếp tục đạt thặng dư; tỷ giá cơ bản được ổn định; tăng dự trữ ngoại hối; nâng cao độ an toàn tài chính quốc gia, cải thiện lòng tin vào đồng tiền quốc gia…
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo