Đầu tư

Nhiều dự án FDI lớn được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn

DNVN - Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.

Các dự án FDI xanh sẽ tạo làn sóng đầu tư cho chuyển đổi kinh tế / Thu hút đầu tư FDI: Cần lựa chọn dòng vốn chất lượng cao

Trả lời về thu hút đầu tư FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm nhờ vào chiến lược đa dạng hóa cung ứng đầu tư và tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng.

“Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023’, ông Phương cho biết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, theo ông Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng trình Chính phủ.

Kịch bản 1: tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%. Trước đó, kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 (Nghị quyết số 01) đưa ra các con số tương ứng là 6,7% và 7%.

Kịch bản 2: tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 0,7% và 0,6%.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên nếu khắc phục được những hạn chế, bất cập", ông Phương nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm gồm: đầu tư tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước phục hồi nhanh hơn; đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Cùng với đó là các yếu tố: du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn; các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt là từ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm