Hỗ trợ doanh nghiệp

Dè dặt hạ lãi suất

Sau Ngân hàng (NH) Đầu tư và Phát triển (BIDV), hôm qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chính thức tuyên bố hạ lãi suất cho vay.

Dè dặt và chọn lọc

 

Các diễn đàn về tài chính ngày 9.2 râm ran về thông tin sau BIDV, đến lượt một “đại gia” khác là Vietcombank rục rịch hạ lãi suất cho vay, kể cả bất động sản, chứng khoán. Trao đổi với PV Thanh Niên về tin hạ lãi suất cho vay với mức bình quân 2%/năm, bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết chủ trương hạ lãi suất cho vay vừa được HĐQT, ban giám đốc quán triệt trên toàn hệ thống nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp (DN). Vì vậy, một số chi nhánh đã bắt đầu giảm từ ngày 9.2. Cụ thể, lãi suất cho vay bằng VNĐ đồng loạt được kéo xuống, cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn còn 17%/năm, lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm.

 

Không chỉ lãi suất cho vay sản xuất, lãi vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cũng được Vietcombank giảm xuống thấp hơn, vay ngắn hạn còn 18%/năm, vay trung và dài hạn từ 18,5 - 19%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay chứng khoán và bất động sản 20%/năm. Tuy nhiên, bà Hà cũng khẳng định lãi suất cho vay bước đầu chỉ giảm ở các kỳ hạn ngắn và chủ yếu dành cho các đối tượng ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ. Với đợt giảm lãi suất lần này, tại một số chi nhánh của Vietcombank, mức thấp nhất được dành cho xuất khẩu 16%/năm, cao nhất cho vay phi sản xuất 20%/năm.

 

Trước đó, BIDV đã đi tiên phong khi từ tháng 9.2011 đến nay BIDV liên tiếp 5 lần giảm lãi suất cho vay, lần gần nhất vào cuối tháng 12.2011 với mức giảm 0,5 - 1%/năm. Hiện, lãi cho vay tại BIDV, thấp nhất dành cho đối tượng đặc biệt 14,5%/năm và cao nhất khoảng 17 - 17,5%/năm. TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của HĐQT BIDV, thừa nhận lãi suất thấp mới chỉ dành cho các DN cực tốt, có uy tín, thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ. “Lãi suất có hạ, nhưng tín hiệu không rõ ràng, không nhiều, các NH rất dè dặt và chọn lọc DN”, ông Lực nhìn nhận

 

NH nhỏ chưa vào cuộc

 

Theo các chuyên gia, hiện nay giảm lãi suất đại trà, trên diện rộng trong hệ thống và cho đại bộ phận các DN là rất khó. Một lãnh đạo Ban Tín dụng Vietcombank khẳng định rất ít DN có thể tiếp cận với mức lãi suất thấp mà các NH lớn đưa ra trong các đợt giảm lãi suất vừa qua, bởi tiêu chí và điều kiện vay hết sức ngặt nghèo như: DN phải bán lại ngoại tệ, phải không có nợ quá hạn, phải sử dụng dịch vụ của NH, đáp ứng đủ năng lực tài chính… “Với các DN xuất khẩu lãi vay 16 -17%/năm không quá khó khăn, nhưng riêng với DN sử dụng nhiều vốn vay NH, đặc biệt DN gia công, mức lãi suất như vậy thì không làm ăn gì được”, lãnh đạo này thừa nhận.

 

Các NH lớn đã vậy, NH nhỏ còn khó hơn. Lãnh đạo một NH cổ phần tại Hà Nội chia sẻ, khó khăn thanh khoản tại các NH quy mô nhỏ và vừa đang có nguy cơ lây lan rộng và cản trở tiến trình hạ lãi suất. Ông này cho biết tín hiệu giảm nhiệt lãi suất trên thị trường liên NH mấy ngày qua không phải do thanh khoản của NH bớt khó khăn, mà do các NH lớn không cho NH nhỏ vay vì sợ rủi ro. “Thị trường liên NH diễn ra trầm lắng, là nguyên nhân chính dẫn tới lãi suất hạ nhiệt, chứ không phải thanh khoản đã được gỡ”, ông nói. Lãnh đạo NH này cho biết thêm, thời gian qua, đặc biệt ra tết lại bắt đầu có hiện tượng một số NH nhỏ vượt rào lãi suất, đi đêm với khách hàng. “Vì thanh khoản yếu, và họ phải huy động với lãi suất vượt trần 14%/năm, nên lãi suất cho vay vẫn được chào từ 18 - 22%/năm”, lãnh đạo này giải thích.

 

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng với mức lãi suất hiện nay khó có DN nào chịu đựng được, bởi đa phần DN Việt Nam sử dụng đòn bẩy tài chính cao, vốn vay NH là chủ yếu, nên phải gánh chi phí lãi suất quá lớn. Để DN chịu đựng được, lãi vay trong 2012 phải giảm về mức khoảng 14 -15%/năm. Hiện nay, theo ông Lực, có 2 yếu tố căn bản để hạ lãi suất, một là lạm phát giảm và hai là thanh khoản hệ thống được giải quyết.

 

 

Nên sáp nhập tiếp các NH yếu kém

Theo TS Cấn Văn Lực, để giải quyết tốt thanh khoản, tạo tiền đề giảm lãi suất, NH nhà nước nên tiếp tục tái cấp vốn trên thị trường mở (OMO) với kỳ hạn dài ngày hơn, nhưng cần tính toán kỹ liều lượng để tránh gây lạm phát do hiệu ứng cung tiền. Biện pháp thứ hai, nên sớm tiến hành sáp nhập lại các NH yếu kém, điều trị dứt điểm không để lây lan thanh khoản cho hệ thống. Biện pháp thứ ba, cử một số NH nhà nước (chi phối) làm đại diện, tham gia vào các NH yếu kém thanh khoản để xử lý, sau khi các NH này đi vào ổn định, bắt đầu thoái vốn.

 

Theo Anh Vũ (Thanh Niên)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo