Đề xuất bán đứt vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco
Theo đó, VAFI cho biết, Sabeco và Habeco đã thực hiện việc cổ phần hóa được hơn 8 năm. Trong đề án cổ phần hóa của Sabeco và Habeco đều nói rõ việc cổ phần hóa gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết, dù VAFI đã nhiều lần thúc giục Bộ Công thương cũng như HĐQT tại 2 doanh nghiệp này là cần phải thực hiện niêm yết để cải thiện quản trị doanh nghiệp đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán.
Mặt khác, Quyết định 51/2014/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước cũng đã yêu cầu đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày Quyết định 51 có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo VAFI, những người quản lý vốn trực tiếp và gián tiếp tại Sabeco và Habeco đã không thực hiện chủ trương của Chính phủ, không hoàn thành nhiệm vụ mà nhà nước giao phó.
Theo đó, người quản lý vốn nhà nước gián tiếp và trực tiếp tại Sabeco và Habeco là Thứ trưởng được giao quản lý vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco, là cán bộ lãnh đạo tại vụ tổ chức, Ban đổi mới doanh nghiệp tại Bộ Công thương, là thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ quản lý vốn.
Cũng tại văn bản, VAFI cũng đề xuất việc bán hết cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco. Hiện tại, Bộ Công thương đang đại diện tới gần 90% và 82% vốn điều lệ tại hai tổng công ty này.
VAFI thấy rằng Bộ Công Thương cần nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Đơn vị này dự tính số tiền bán cổ phần thu về khoảng 3 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo