Hỗ trợ doanh nghiệp

Dệt may hưởng lợi nhiều nhất từ TPP?

Tại các hội thảo về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần đây, nhiều chuyên gia khẳng định: ngành dệt may Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế, có tiềm năng được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại (FTA) nói chung và từ Hiệp định TPP nói riêng. Đây là lý do mà dệt may là ngành ưu tiên hàng đầu trong đàm phán TPP.

Năm 2012, ngành dệt may đã đóng góp trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với 17,2 tỷ USD. Ảnh: VnEconomy.

Tại các hội thảo về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần đây, nhiều chuyên gia khẳng định: ngành dệt may Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế, có tiềm năng được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại (FTA) nói chung và từ Hiệp định TPP nói riêng. Đây là lý do mà dệt may là ngành ưu tiên hàng đầu trong đàm phán TPP.

Năm 2012, ngành dệt may đã đóng góp trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với 17,2 tỷ USD. Dự kiến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 20 tỷ USD, nếu kể cả xuất khẩu nguyên phụ liệu thì có thể đạt tới 21 tỷ USD và tiếp tục duy trì tỷ trọng khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thị trường quan trọng nhất

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh, trong khối đàm phán TPP có 2 thị trường rất quan trọng là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 11% và các nước TPP khác đang chiếm khoảng 4%.

Như vậy, khối các nước TPP đang chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Riêng năm 2012 đã có gần 11 tỷ USD xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước TPP. Vì vậy, khối các nước TPP là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Ngành dệt may đang có khoảng 6.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may hiện chỉ duy nhất Tập đoàn Dệt may với 5 công ty thành viên 100% vốn, còn lại là các thành viên công ty cổ phần.

Đến hết năm 2013, Tập đoàn Dệt may sẽ tiến hành IPO. Do đó, bước vào năm 2014, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn không tồn tại doanh nghiệp nhà nước và đa dạng hóa toàn diện với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Theo số liệu của Vitas, cứ với mỗi 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may có thể tạo ra việc làm cho 150 - 200 ngàn lao động, trong đó có 100 ngàn lao động trong doanh nghiệp dệt may và từ 50 - 100 ngàn lao động tại các doanh nghiệp hỗ trợ khác.

Thu nhập trung bình tại các doanh nghiệp dệt may năm 2010 mới đạt khoảng 1.000 USD/công nhân, năm 2012 tăng lên 2.000 USD/công nhân và năm 2015 dự kiến đạt trên 3.000 USD/công nhân. Như vậy, mốc thu nhập của công nhân dệt may năm 2015 vẫn cao gấp 2 lần so với GDP bình quân đầu người của Việt Nam.

Đại diện của Vitas cho biết, doanh nghiệp dệt may Việt Nam hết sức quan tâm đến các nội dung đàm phán TPP liên quan đến dệt may, nhất là quy tắc xuất xứ và hàng rào thuế quan. Đây cũng là 2 vấn đề chính mà doanh nghiệp, nhà sản xuất đều lưu ý trong mỗi Hiệp định thương mại tự do.

Những vấn đề này đều nhằm thực hiện chiến lược xuyên suốt của ngành dệt may Việt Nam là đẩy mạnh tăng trưởng quy mô xuất khẩu, từ đó có khả năng xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn thiện và ngành dệt may có thể phát triển bền vững.

Theo ông Lê Tiến Trường, tuy xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt ngưỡng 20 tỷ USD trước khi ký kết TPP, nhưng quy mô sử dụng các loại nguyên liệu của Việt Nam mới chỉ đạt dưới 10 tỷ USD thì chưa phải là quy mô hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu. Muốn đẩy mạnh được khu vực sản xuất nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì một yếu tố tiên quyết là phải tăng được quy mô xuất khẩu.

Cơ hội và thách thức

Đánh giá về cơ hội đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, theo nghiên cứu của Vitas, nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

Với năm 2013, ngành dệt may dự kiến xuất siêu từ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khoảng 10 tỷ USD. Nếu quy mô này được cải thiện, năm 2015 Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD thì lúc đó giá trị doanh thu để lại tại thị trường Việt Nam khoảng 17 tỷ USD.
Vitas cũng cho rằng, có 3 thách thức lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.

Thứ nhất, bảng chào thuế cần được cắt giảm nhanh và mạnh mới tạo được lợi nhuận đủ lớn, bởi bản chất của cắt giảm thuế là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà sản xuất cũng như nhà mua hàng. Việc cắt giảm thuế mạnh trong giai đoạn đầu là một yếu tố kích thích quan trọng để mọi người đổ dồn về Việt Nam.

Thứ hai, quy tắc xuất xứ phải có tính khả thi cao, nếu không thì bản thân quy tắc xuất xứ và thủ tục để chứng minh quy tắc xuất xứ sẽ trở thành rào cản lớn trong việc thực thi Hiệp định.

Thứ ba là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các doanh nghiệp Việt Nam. Khi nội dung của Hiệp định đã dần dần sáng tỏ, biết rõ mốc thời gian có thể thu được lợi ích từ Hiệp định tại Việt Nam thì lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Đơn cử ngành dệt may Việt Nam trong 5 năm đầu tư thêm được 1,2 triệu cọc sợi thì chỉ một doanh nghiệp Trung Quốc trong vòng 3 năm cũng có thể đầu tư 1 triệu cọc sợi và riêng trong năm 2013, doanh nghiệp này đã đầu tư thêm 500 ngàn cọc sợi. Nếu không cẩn thận, việc thu lợi ngay từ những ngày đầu tiên của Hiệp định sẽ không lọt vào tay doanh nghiệp Việt Nam mà lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo