Hỗ trợ doanh nghiệp

Dệt may Phong Phú lãi cao dù thị trường cạnh tranh gay gắt

Sáu tháng đầu năm công ty đạt doanh thu 1.749 tỷ đồng và lãi sau thuế 149 tỷ.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cho hay, 6 tháng đầu năm nay mặc dù thị trường cạnh tranh gay gắt, giá nguyên liệu tăng trong khi giá xuất khẩu ngày càng thấp nhưng công ty vẫn hoàn thành tốt kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.

Theo đó, công ty đạt doanh thu 1.749 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 149 tỷ, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đạt 28,1 triệu USD, trong đó, sợi chiếm 30%, khăn 60%, còn lại là vải và may mặc.  Hiện, khăn bông là sản phẩm được thị trường Nhật ưa chuộng và nhập với giá cao. Còn tại thị trường Mỹ, công ty vẫn có sản phẩm nhưng khó cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ của Ấn Độ.

Phòng trưng bày khăn bông rộng 600m2 của Phong Phú.

Sở dĩ công ty có được kết quả kinh doanh tốt trong bối cảnh giá sản phẩm xuất khẩu trên toàn cầu ngày càng thấp là vì doanh nghiệp tiết giảm chi phí, đầu tư công nghệ để tăng năng xuất.

“Năm nay tỷ giá USD tăng cao là thời cơ thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, công ty sẽ đẩy mạnh lĩnh vực này để hoạt động kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa”, ông Trình nói.

Để đẩy mạnh hoạt động giới thiệu sản phẩm, Phong Phú cũng vừa đầu tư vài tỷ đồng để mở hai phòng trưng bày rộng hơn 1.200m2 để giới thiệu các sản phẩm khăn bông và các sản phẩm jeans cao cấp (quần áo, vải denim và denim dệt kim). Tại đây, khách hàng có thể tận mắt thấy những sản phẩm mới nhất vừa sản xuất của công ty.

Riêng với nhóm sản phẩm thân thiện với môi trường, ông Trình cho rằng, các sản phẩm này bỏ chi phí ra khá cao nhưng người tiêu dùng Việt vẫn chưa ưa chuộng, dẫu vậy, công ty vẫn đang nỗ lực để giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm nhiều hơn. Bước đầu, công ty đã đưa ra thị trường sản phẩm dòng khăn Mollis organic.

Chia sẻ thêm về vấn đề lao động trong thời gian tới, ông Trình dự báo ngành dệt sợi nhuộm sẽ gặp khó khăn. Nếu doanh nghiệp không có chính sách đãi ngộ tốt thì nhiều công nhân, thợ lành nghề sẽ dịch chuyển sang các công ty có nguồn vốn FDI. Do đó, ngoài việc có chính sách tốt cho người lao động, doanh nghiệp còn phải đổi mới và tiến tới đầu tư mạnh công nghệ để khi cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ doanh nghiệp Việt không bị “ăn mòn” và tụt lại phía sau. Trung Quốc đang là quốc gia đẩy mạnh tự động hóa và năng suất mà họ đạt được khi sử dụng công nghệ thay thế con người ở những khâu quan trọng giúp năng suất tăng gấp 2-3 lần. 

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo