Dệt may Việt Nam nhiều cơ hội mở rộng thị trường
Trong 6 tháng đầu năm 2018 toàn ngành đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc "từ sợi trở đi”.
Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này.
Khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ...
Về tình hình sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm 2018, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2017 và tình hình kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định về vĩ mô, ngành dệt may có những kết quả tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 6 tháng đầu năm đạt 16 tỷ USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 274,6 triệu m2, tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 525,9 triệu m2, tăng 22,1%; quần áo mặc thường ước đạt 2.305,5 triệu cái, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu, những thị trường trọng điểm như Mỹ, các nước khối CPTPP, EU; đặc biệt Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là áo thun, áo jacket, áo sơ mi...
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Phong Phú đánh giá, tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đều đạt được theo kế hoạch đặt ra, tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt 1.749 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 149 tỷ đồng, góp phần giải tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 4.000 người lao động.
Các mặt hàng xuất khẩu của công ty như: sợi, bông, vải denim, may mặc vẫn giữ ổn định tại các thị trường như: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Thái Lan, Ấn Độ… Riêng về mặt hàng sợi, Phong Phú đã chiếm lĩnh được tại thị trường Nhật Bản và được phía bạn tin tưởng và đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo Ông Vũ Đức Giang, các quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo, toàn ngành vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1 - 2%, thậm chí là không thay đổi. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu.
Một số khó khăn nữa mà toàn ngành dệt may đang gặp khó khăn đó là EU vẫn đang áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar… Mỹ áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia, trong khi dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ, 9,6% vào thị trường EU.
Để giúp các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có tiềm năng, ông Vũ Đức Giang cho biết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh. Đặc biệt, để tận dụng được cơ hội khi Hiệp định CPTPP và FTA Việt Nam – EU có hiệu lực.
Hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp ngành dệt may thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.
Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất.
Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng chuyển sang phương thức gia công hiện đại đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu, đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa.
Tiếp đà tăng trưởng của 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành dệt may đang tập trung đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh những thị trường xuất khẩu dệt may chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng tập trung khai thác các thị trường còn dư địa tăng trưởng như Trung Quốc, Asean....
End of content
Không có tin nào tiếp theo