Hỗ trợ doanh nghiệp

Dệt may Việt rộng cửa vào thị trường Úc

Để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm của thị trường Úc...

Ông Thái Bình Dương - Giám đốc Công ty TNHH Yến Dương (chuyên xuất khẩu mũ thời trang tại các thị trường Nhật, Đức, Mỹ…) cho biết, khi Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sản phẩm dệt may Việt Nam được xuất vào Úc sẽ có nhiều thuận lợi. Bởi với việc ưu đãi thuế sẽ khiến giá thành sản phẩm rẻ đi, tăng khả năng cạnh tranh so với các quốc gia khác không tham gia CPTPP.

Cơ hội cho ngành Dệt may xuất khẩu sang Úc.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Quyền - Tổng thư ký Hội len Việt Nam cho hay, khi Việt Nam tham gia vào CPTPP, dĩ nhiên khách hàng ở các nước phát triển muốn chuyển đơn hàng từ các nước không thuộc CPTPP sang Việt Nam. Chẳng hạn như chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng các ưu đãi về thuế.

Hiện Úc là một nền kinh tế phát triển thuộc nhóm G20, người dân có mức lương cao hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, thị trường này có lợi thế là giá bán lẻ hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng thường cao hơn giá bán rất nhiều, thậm chí với hàng cao cấp có thể cao gấp 9-10 lần giá Việt Nam giao cho khách hàng. Có thể nói đây là một thị trường có sức mua khá lớn và có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm dệt may Việt Nam.

Năm 2017, Úc nhập khẩu khoảng 9,32 tỷ USD các sản phẩm dệt may, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 173 triệu USD (chiếm khoảng 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may từ thế giới của Úc).

Theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, Úc sẽ giảm thuế nhập khẩu về 5% ngay trong năm đầu tiên, năm thứ 2, năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực và về 0% từ năm thứ 4 đối với hầu hết các sản phẩm như complet, áo sơ mi nữ, quần áo đồng bộ. Đối với sản phẩm như áo sơ mi nam hoặc bé trai sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường đối với các sản phẩm này là 10%.

Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, Úc là một thị trường hết sức tiềm năng cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm dệt may Việt Nam còn chiếm thị phần nhập khẩu tương đối nhỏ tại Úc và còn nhiều dư địa để mở rộng.

 

Hiện đang có khuynh hướng doanh nghiệp Úc chuyển sang nhập khẩu và đặt gia công tại thị trường Việt Nam do giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc cộng thêm với việc hưởng lãi suất ưu đãi do cả 2 nước là thành viên Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Úc và trong thời gian tới là CPTPP.

Bên cạnh thuận lợi, thì các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng dệt may sang Úc cũng gặp phải một số khó khăn như chất lượng hàng hóa đòi hỏi cao, thậm chí còn cao hơn cả thị trường châu Âu và Mỹ. Các doanh nghiệp cần có chứng chỉ thuế, chứng chỉ trách nhiệm xã hội và có đủ điều kiện làm hàng xuất khẩu.

Ông Trần Văn Quyền chia sẻ, người Úc thường đặt những đơn hàng nhỏ bởi kinh doanh trên mạng nhiều, họ muốn lấy hàng bán ra ngay chứ không muốn để tồn kho. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn Việt Nam không muốn làm nhận đơn hàng nhỏ (100 - 1000 mã hàng). Ngược lại những đơn hàng nhỏ phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nhưng họ lại chưa có chứng chỉ trách nhiệm xã hội. Đó chính là điểm chênh của Việt Nam khi xuất khẩu vào Úc.

Để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm của thị trường Úc. Bởi các đơn hàng khởi đầu tại thị trường này có quy mô khá nhỏ, cần tìm hiểu khả năng nguồn cung cũng như khả năng chấp nhận của thị trường.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ qua thị trường Úc vì lý do này. Khi các lô hàng thử nghiệm ban đầu thành công, các hợp đồng lớn hơn sẽ được ký kết và giá xuất khẩu sang Úc cũng tốt hơn một số thị trường lớn khác. Ngoài ra, khi đã tin tưởng, các nhà nhập khẩu Úc sẽ làm ăn lâu dài, ít khi thay đổi bạn hàng, ông Nguyễn Phúc Nam cho hay.

 

doanh nghiệp Úc thường rất quan tâm đến các trang website của doanh nghiệp đối tác. Chính vì vậy, thông tin doanh nghiệp Việt Nam cần phải đưa lên đầu tiên, khi doanh nghiệp Úc nhìn thấy thì họ mới đến đặt hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cấp nhà máy (nâng cao tay nghề và đầu tư máy móc hiện đại) để được xác nhận là doanh nghiệp đủ điều kiện làm hàng xuất khẩu.

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu sang thị trường Úc dưới 10%, hy vọng khi CPTPP có hiệu lực sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số. Điều cốt yếu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu, hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa nói chung và hàng dệt may vào Úc nói riêng. Ngoài ra, cần lưu ý về chất lượng, mẫu mã và văn hóa tiêu dùng của người dân Úc.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo