Hỗ trợ doanh nghiệp

ĐHCĐ Vicostone: "Việc mua lại cổ phần Phenikaa không có gì khuất tất, siêu kinh điển..."

Phenikaa đầu tư dây chuyền công nghệ Bretone, được cấp phép độc quyền công nghệ. Có nghĩa là ngoài Phenikaa, không một công ty nào ở Việt Nam được phép lắp đặt dây chuyền này.

 

Sáng nay, ngày 24/3/2015, tại trụ sở Công ty cổ phần Vicostone (VCS) đã diễn ra cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2015.

Đánh giá nhu cầu thị trường đá nhân tạo, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng nhất của thế giới. Tuy nhiên thị trường châu Âu lại vô cùng ảm đạm. Cạnh tranh từ Trung Quốc tương đối mạnh mẽ, tiềm năng về công nghệ có thể đuổi kịp Vicostone trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu của Vicostone vào Mỹ và Úc tăng mạnh, lần lượt đạt 59% và 43% so với năm 2013.

Vicostone cũng như các doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo nói chung, hiện đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất đá nhân tạo khác. Hiện nay trên thế giới có khoảng 30 nhà cung cấp đá nhân tạo sử dụng công nghệ Breton, trong đó không ít các nhà sản xuất lâu năm, có kinh nghiệm, uy tín và có thương hiệu. Đồng thời, sự xuất hiện của các nguyên vật liệu thay thế cũng là một thách thức mà Vicostone phải đối mặt.

Ngành sản xuất đá không phải là ngành “dễ ăn” – ông Hồ Xuân Năng bày tỏ.

Năm 2014, như chúng tôi đã đưa tin, kết quả kinh doanh của Vicostone khởi sắc với tổng doanh thu và LNTT lần lượt đạt 2.106 và 261 tỷ đồng, vượt 9,41% và 207,6% kế hoạch đề ra.

Việc sáp nhập vào Phenikaa (Phượng Hoàng Xanh), theo ông Hồ Xuân Năng, là một cơ hội lớn đối với Vicostone. Phenikaa đầu tư dây chuyền công nghệ Bretone, được cấp phép độc quyền công nghệ. Có nghĩa là ngoài Phenikaa, không một công ty nào ở Việt Nam được phép lắp đặt dây chuyền này. Lợi thế cạnh tranh khá rõ rệt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công nghệ Breton tạo nên sản phẩm đá có độ bóng và độ bền tốt hơn hẳn so với công nghệ truyền thống.

Sau khi sáp nhập vào Phenikaa, Vicostone sẽ tập trung hướng kinh doanh vào thị trường xuất khẩu, và đẩy mạnh thương hiệu đá của công ty, tận dụng thị trường có được từ công ty mẹ. Được biết, kim ngạch xuất khẩu của Vicostone đã tăng từ mức 58 triệu USD lên 90 triệu USD sau một thời gian ngắn được Phenikaa thâu tóm.

Hồ Xuân Năng là người được các cổ đông lớn của Phượng Hoàng Xanh mời mua cổ phần kiểm soát, hoàn toàn tuân thủ hoàn toàn theo quy chế quản trị công ty – ông Năng báo cáo tại ĐHCĐ lần này.

Được biết, Phenikaa hiện đang có vốn điều lệ 600 tỷ đồng và đang lên kế hoạch tăng lên 900 tỷ đồng trong thời gian tới. Cơ cấu cổ đông của Phenikaa tương đối “cô đặc”, ngay cả trước khi ông Hồ Xuân Năng thâu tóm công ty này. Chỉ có 3 cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn của Phenikaa trước khi ông Năng chính thức sở hữu 90% cổ phần của công ty.

 "Việc mua lại cổ phần Phenikaa không có gì khuất tất, siêu kinh điển như các phương tiện thông tin vẫn đưa tin" - người đứng đầu Vicostone nhấn mạnh.

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo