Đi làm muộn 10 phút, nhà sáng lập Panasonic tự phạt mình bằng cách gì?
Bắt đầu trong một căn hộ hai phòng nhỏ, tập đoàn Panasonic (tiền thân là công ty Matsushita) đã phát triển thành một trong những công ty điện tử thành công nhất trên thế giới. Người sáng lập Konosuke Matsushita của tập đoàn này đã xây dựng đế chế của mình từ cuộc cách mạng sản xuất ổ cắm 2 chấu vào năm 1918 và mong muốn tạo ra những thứ có giá trị để cải thiện cuộc sống.
Konosuke Matsushita, người quản lí hơn 500 doanh nghiệp con, lớn mạnh nổi tiếng khắp toàn cầu chính là người biết vận dụng sức thu hút của bản thân để khích lệ nhân viên. Ông cũng là một người lãnh đạo rất nghiêm khắc với bản thân. Một lần, vì đến công ty muộn 10 phút, ông đã nghiêm khắc tự phạt.
Trước đó, Matsushita đã đặt ra quy định trước toàn thể nhân viên trong công ty nhằm quản thúc và yêu cầu nghiêm khắc hơn với bản thân, ông nói: "Bắt đầu từ năm nay, tôi hạ quyết tâm không đi làm muộn. Nếu tôi đến muộn, cho dù là nguyên nhân gì sẽ bị phạt giống như các nhân viên khác". Nhưng không lâu sau đó, Matsushita lại đi làm muộn.
Sau việc này, ông đã đứng trước toàn bộ nhân viên kiểm điểm bản thân. Ông nói: "Ngày hôm đó, từ sáng sớm tôi đã đến trạm xe buýt…. Lúc đầu tôi đã chờ xe tới, nhưng đợi mãi, hơn nửa tiếng trôi qua mà chẳng thấy xe đâu. Thấy thời gian không còn sớm nữa, tôi đành đi tàu điện, nhưng khi tàu điện sắp chạy, tôi lại nhìn thấy xe đến đón. Do đó, tôi nhanh chóng xuống tàu và đi xe. Mặc dù xe ô tô chạy rất nhanh, nhưng khi bước vào công ty, tôi mới giật mình phát hiện ra: Ôi, vẫn không kịp, mình đã đi muộn 10 phút!".
Tiếp đó, Matsushita nói: "Năm đầu tiên này có ý nghĩa rất đặc biệt với công ty, là năm quan trọng để công ty chúng ta phát triển, tôi rất hi vọng mình là tấm gương cho các bạn noi theo, nhưng ngay ngày đầu tôi đã phạm lỗi. Nếu truy cứu nguyên nhân thì tôi không thể chối cãi rằng do mình quá sơ suất. Do đó, tôi cảm thấy rằng mình cần chịu trách nhiệm này trước toàn thể nhân viên.
Bây giờ tôi xin công bố tên của những nhân viên có liên quan đến việc này, mỗi người bị trừ một tháng lương. Còn đối với riêng tôi, với trách nhiệm là chủ tịch Hội đồng quản trị, do giám sát không nghiêm, quản lí không tốt nên tiền lương và tiền thưởng tháng này của tôi cũng bị cắt, coi đó là cách xử phạt với bản thân!"
Matsushita làm như vậy không những không làm hạ thấp uy tín của mình, mà còn có được sự tôn trọng và tin cậy của nhân viên. Hành động này của Matsushita đã ảnh hưởng và thu hút nhân viên, khích lệ họ cố gắng làm việc và yêu nghề hơn.
Ngày nay, những quản lí doanh nghiệp hiện đại học được từ ông rằng cần biết phát huy sức hút của bản thân, dùng sức hút đó ảnh hưởng tốt đến nhân viên, khích lệ nhân viên. Muốn làm được điều này, người quản lí cần thực hiện những điều sau:
Lấy mình làm gương
Người quản lí nếu có tố chất tốt, tự giác đặt ra các quy tắc và thực hiện những quy tắc đó, sẽ có được sự tôn trọng và phục tùng của cấp dưới. Nếu người quản lí tôn trọng kỉ luật, lấy mình làm gương, sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lớn, vô tình khích lệ nhân viên.
Đặc biệt khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thất bại và thách thức, người quản lí nên đứng ra làm gương cho nhân viên, dùng hành động thực tế khích lệ nhân viên, như vậy mới khích lệ hiệu quả ý chí của nhân viên, để mọi người cùng nhau khắc phục khó khăn, thất bại, vượt qua mọi trở ngại.
Dùng phẩm chất đạo đức tốt đẹp để đối xử với mọi người
Người quản lí có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, lòng khoan dung và tài năng, học thức uyên bác thì mới thể hiện được khả năng hiệu triệu và sức ảnh hưởng lớn, nhận được sự tin cậy, ngưỡng mộ của nhân viên. Người quản lí không nên dùng chế độ quản lí lạnh lùng, cho dù nhân viên có phạm lỗi nào đó, cũng nên cố gắng dùng khả năng ảnh hưởng của bản thân để thuyết phục, cảm hóa nhân viên.
Chân thành đối xử với mọi người
Người quản lí cần cố gắng tạo ra môi trường làm việc hài hòa, thân thiện, để mỗi nhân viên đều cảm thấy thoải mái, phát huy sự tích cực nhiệt tình đối với công việc của mình. Muốn làm được điều này, người quản lí cần có thái độ bình đẳng, tôn trọng, quan tâm và yêu mến nhân viên, để nhân viên cảm nhận được thái độ chân thành của lãnh đạo. Người quản lí cũng cần gần gũi, quan tâm, trò chuyện chân thành với nhân viên, đồng thời kịp thời phát hiện vấn đề và giải quyết mọi vấn đề, khích lệ tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề của nhân viên.
Công bằng, liêm chính
Phẩm chất quang minh chính đại là tiêu chuẩn đánh giá sức ảnh hưởng của người lãnh đạo. Người quản lí cần giữ được hình tượng công bằng, liêm khiết, như vậy mới tạo được không khí cạnh tranh công bằng và đoàn kết hợp tác trong công ty. Người quản lí khi quản lí doanh nghiệp, cần có phẩm chất quang minh lỗi lạc, công tư phân minh, công bằng khách quan, đặc biệt khi đề cập đến lợi ích của mình càng cần thực tế, đúng đắn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo