Hỗ trợ doanh nghiệp

Đi nhanh để tránh tụt hậu

Việt Nam đang đi đúng hướng trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, cũng như trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là khẳng định được các nhà tài trợ đưa ra ngay trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), chính thức khai mạc vào ngày mai (5/6) tại Quảng Trị.

Song dù đang đi đúng hướng, Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để có thể nhanh chóng về đích, nếu không muốn tụt hậu.



Trước hết, nói về ngắn hạn, trong khi lạm phát được cho là khá ổn định, thì nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt mục tiêu đề ra. Các con số được đưa ra, của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, hay của cả các chuyên gia kinh tế trong nước, đều dưới mức 6%.

 

Dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế, sự khó khăn của hệ thống doanh nghiệp, trong khi cầu suy giảm… là lý do chính để đưa ra những dự báo này.



Song một cách thẳng thắn, ở thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quan trọng không phải con số là bao nhiêu, mà là kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách nào? Vẫn chỉ là những giải pháp ngắn hạn, để năm sau, năm sau nữa, kịch bản tương tự lại tái diễn, hay vừa lo ngắn hạn, vừa giải quyết rốt ráo các điểm nghẽn, các điểm yếu của nền kinh tế để có được đà tăng trưởng cao và bền vững hơn trong tương lai.



Khá lạc quan, vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB - Deepak Mishra, cho rằng, con số tăng trưởng GDP 4% của quý I/2012 cho thấy một phần trong xu hướng lớn để thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ổn định. Nếu đúng vậy, cộng thêm dấu hiệu về một sự ổn định hơn của kinh tế vĩ mô trong những tháng qua, thì là điều đáng mừng.



Nhưng vẫn phải đặt ra câu hỏi rằng, Việt Nam đã đi tới đâu trong hành trình tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng? Sẽ không dễ trả lời câu hỏi này, bởi mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong cải cách nền kinh tế, song một khi, ngay cả đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn thảo luận, thì chưa thể kỳ vọng một sự đột phá trong cải cách toàn diện nền kinh tế.



Trong khi đó, ở từng cấu thành của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, dư luận vẫn không khỏi quan ngại trước hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Với khu vực ngân hàng, dù đã có nhiều động thái khá tích cực trong thời gian qua trong sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng thương mại, song hiệu quả đến đâu vẫn còn phải chờ.

 

Dư luận hy vọng, các cuộc sáp nhập, hợp nhất rầm rộ không chỉ đơn thuần mang tính cộng dồn số học. Còn đầu tư công, cũng vẫn chỉ đang nỗ lực ở những bước đi đầu tiên.



Đây đó là có những lời cảnh báo về việc rất có thể, Việt Nam sẽ phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình sớm hơn. Điều đó có nghĩa rằng, dù đang đi đúng hướng, thì dường như những nỗ lực trong cải cách nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế chưa đạt đủ tầm, hay nói đúng hơn là chưa được như kỳ vọng.



Thông điệp về một sự đổi mới đã nhiều lần được Chính phủ khẳng định nhất quán. Các nhà tài trợ, dư luận trong và ngoài nước cũng đều ủng hộ điều này. Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng điều quan trọng là, bước đi phải nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn, nếu không, nguy cơ về một sự tụt hậu vẫn lơ lửng.

 

 

Theo Đầu tư

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo