Hỗ trợ doanh nghiệp

DN cao su loay hoay tìm đường tiêu thụ trong nước

Sau thời kỳ hoàng kim, đến nay giá cao su đã giảm chỉ còn 1/3 so với mức đỉnh điểm, gần tiệm cận với mức giá thành sản xuất. Tồn kho lớn, tiêu thụ khó, các doanh nghiệp sản xuất cao su đang tìm cách chế biến cao su để tiêu thụ trong nước.

 

Giá không thể tăng nổi
 
Lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam trong một buổi họp gần đây với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho hay giá cao su đã giảm liên tục trong khoảng ba năm trở lại đây. Nếu như năm 2011, giá cao su lên tới mức đỉnh điểm 5.000 đô la Mỹ/tấn thì tới nay, giá chỉ còn 1.500 đô la Mỹ/tấn, tức giảm đến 70% so với năm 2011.
 
Ảnh minh họa (Nguồn Một thế giới)
 
Giá bán ra khoảng 31 triệu đồng/tấn trong khi giá thành sản xuất khi tiết giảm tới mức tối thiểu vẫn là 30 triệu đồng. Với mức giá này, nếu các doanh nghiệp làm ăn không khéo là sẽ lỗ.
 
“Chúng tôi đã đàm phán với một số nước có sản lượng cao su lớn trên thê giới như Malaysia, Indonesia, Thái Lan để làm sao cố gắng không bán cao su dưới mức 1.500 đô la Mỹ/tấn, tránh rơi vào tình cảnh càng làm càng lỗ,” vị lãnh đạo này nói.
 
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội cao su Việt Nam, mặc dù những tháng gần đây, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cao su có cải thiện nhưng giá cao su không tăng.
 
Điều này là do những năm trước diện tích cao su không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới phát triển quá nhanh nên tồn kho cao su ba năm trở lại đây lớn. Hơn nữa, giá cao su phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu.
 
“Dầu là thành phần chính để sản xuất ra cao su tổng hợp, một loại nguyên liệu cạnh tranh trực tiếp với cao su thiên nhiên. Trong khi giá dầu liên tục giảm thì không hy vọng giá cao su tăng lên được. Chúng tôi chỉ hy vọng giá cao su duy trì như hiện nay mà không tiếp tục giảm nữa,” bà Hoa nói.
 
Chồng chất thuế
 
Trong lúc giá cao su bị tác động kép bởi giá xăng dầu giảm và nguồn cung lớn thì ngành này lại đang phải chịu mức thuế quá cao, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Ví dụ như Tây Ninh dự tính sẽ tăng thuế đất lên 5 triệu/héc ta, còn ở một số tỉnh Bình Dương, Bình Phước là 2-3 triệu/héc ta thuế đất trồng cao su, cao hơn rất nhiều so với mức thuế đất trước đó.
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cao su đang trồng cao su xen canh với một số cây trồng khác để tăng thu nhập trong bối cảnh giá cao su đang thấp. Những vườn này đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, chưa cho thu nhập nhưng vẫn phải chịu thuế đất. Giai đoạn kiến thiết cơ bản với từng loại cây trồng là khác nhau nhưng cũng phải mất trung bình từ 5 đến 7 năm. “Việc vẫn phải chịu thuế đất trong khi vườn cây chưa có thu nhập là điều hết sức vô lý,” lãnh đạo tập đoàn công nghiệp cao su nói.
 
Theo bà Hoa, các địa phương nghiên cứu tăng thuế đất khi mà ngành cao su đang ở thời kỳ đỉnh cao nhất, nhưng lại áp thuế vào đúng thời kỳ khó khăn nhất. Nếu áp dụng mức thuế đất mới, giá thành sẽ cao hơn giá bán, tồn kho lớn, doanh nghiệp sẽ phá sản.
 
Tìm hướng phát triển nội địa
 
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho hay, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết đối với các loại thuế trong ngành cao su. Song, ông Phát cũng cho rằng sự phát triển nóng của ngành cao su đã cho ngành nông nghiệp một bài học. Cao su có thể là cây trồng lợi thế của Việt Nam nhưng phát triển phải có quy hoạch và giải pháp đồng bộ thận trọng chứ không phát triển ồ ạt, sản xuất với số lượng càng lớn càng tốt được.
 
“Trong điều kiện thị trường khó khăn, rất nhiều nơi trồng trên diện tích đất xấu, không đảm bảo kỹ thuật thì không thể bán nổi do giá sản xuất cao hơn giá bán,” ông Phát nói.
 
Bên cạnh đó, ông Phát cho rằng các doanh nghiệp nên phát triển theo chuỗi giá trị chứ không nên chỉ tập trung vào một khâu. Hiện nay, Việt Nam là một trong bốn nước sản xuất cao su lớn của thế giới nhưng chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, chiếm tới 80%, nên kim ngạch thu về hàng năm chỉ 2 tỉ đô la Mỹ, đỉnh điểm cũng chỉ 3 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp trong nước lại phải nhập khẩu cao su thành phẩm với giá trị lớn hơn rất nhiều.
 
“Đây là cơ hội mà các đoanh nghiệp đã bỏ qua để phục vụ thị trường trong nước. Tôi đã báo cáo trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý sẽ có những hỗ trợ cao nhất đối với doanh nghiệp chế biến và sản xuất sản phẩm cao su trong nước”, Bộ trưởng Phát nói.
 
Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, để sản xuất trong nước, cạnh tranh được với mặt hàng cao su nhập khẩu thì thứ nhất phải miễn thuế nhập khẩu với các nguyên liệu để chế biến cao su thành phẩm. Bên cạnh đó, nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tìm hiểu thị trường, phát triển những sản phẩm chủ lực có tiềm năng trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp chứ tự doanh nghiệp nghiên cứu sẽ rất tốn kém mà không chính xác. Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, thông tin. Đây là những hỗ trợ hiệu quả mà không sợ vi phạm các Hiệp định về thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết.
Theo TBKTSG Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo