Hỗ trợ doanh nghiệp

DN ngậm ngùi cho thuê lại nhà xưởng

Do phải thu hẹp quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải cầm cự bằng cách cho thuê lại toàn bộ hay một phần nhà xưởng để gỡ gạc chi phí.
Muốn cho thuê lại, phải xin phép tỉnh
 
Khi nói đến triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, đã có doanh nghiệp bi quan đến mức cho rằng “lúc này tốt nhất là không nên làm gì cả”. Cứ ngỡ quan điểm ấy là cá biệt, nhưng dường như không hẳn vậy.
 
Trò chuyện với phóng viên, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Vĩnh Phúc tỏ ra khá hồ hởi khi vừa cho thuê lại mặt bằng nhà xưởng rộng 800m2 với giá 20 triệu đồng/tháng. "Mặt bằng làm nhà xưởng này tỉnh đã cho tôi thuê làm xưởng may từ năm 2008 đến nay. Nhưng từ năm 2012, tình hình khó khăn đã khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Để giảm gánh nặng tiền thuê mặt bằng, chúng tôi đã phải tìm phương án cho doanh nghiệp khác thuê lại nhà xưởng" 
 
Thế nhưng, do mặt bằng được UBND tỉnh cho thuê nên muốn cho doanh nghiệp khác thuê lại, doanh nghiệp phải được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép.
 
“Ở Vĩnh Phúc, rất nhiều trường hợp muốn cho thuê lại nhà xưởng như công ty chúng tôi. Rất may UBND tỉnh đã đồng ý để chúng tôi cho doanh nghiệp khác thuê lại nhà xưởng” – Vị giám đốc đưa cho chúng tôi xem văn bản ngày 30-1-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Trên cơ sở quy định pháp luật và để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát huy hiệu quả sử dụng đất, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý cho các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cho thuê đất ngoài các khu công nghiệp được bổ sung mục tiêu cho thuê nhà xưởng dư thừa trong giấy chứng nhận đầu tư.
 
Nhưng nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, có nhà xưởng dư thừa thật sự và đang có sẵn, không có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, nhà xưởng không bị kê biên, có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép xây dựng theo quy định, nhà xưởng đảm bảo chất lượng, an toàn theo công năng được duyệt…
 
Vì khó khăn nên dễ vi phạm 
 
Không chỉ các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng muốn cho thuê lại diện tích nhà xưởng dư thừa. Những thông tin về việc cho thuê lại nhà xưởng trong các khu công nghiệp dày đặc trên các trang rao vặt. Thực tế, quy định pháp lí về cho thuê lại nhà xưởng dư thừa trong khu công nghiệp thường phức tạp hơn nhiều.
 
Tại những hội nghị giao ban thường kì của Ban quản lí các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khu vực tỉnh, thành phía Nam, đại diện các ban quản lí đều bày tỏ những băn khoăn trong việc quản lí việc cho thuê lại nhà xưởng dư thừa. Theo các ban quản lí, hoạt động cho thuê lại nhà xưởng trong các khu công nghiệp tăng cao đã gây khó khăn cho công tác quản lí nhà nước.
 
Nhiều doanh nghiệp mặc dù không có chức năng cho thuê nhưng vẫn cho thuê không phép, bên thuê hoạt động nhưng không được Ban quản lí cấp phép. Trong khi đó, đa số các dự án cho thuê lại có quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tạm thời nên rất dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy...
 
Đơn cử như đầu tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã phải chỉ đạo xử lí nghiêm những doanh nghiệp tại khu công nghiệp Phú Tài sử dụng kho, nhà xưởng cho thuê chứa mì lát, titan không đúng với chức năng đã đăng ký sử dụng. Theo Ban quản lí các Khu kinh tế tỉnh Bình Định, có khoảng 20 doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Phú Tài nằm trong diện này. Mặc dù Ban quản lí đã nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều lần, nhưng các doanh nghiệp viện cớ tình hình kinh tế khó khăn tận dụng kho, bãi bù đắp chi phí để tiếp tục vi phạm.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo