Hỗ trợ doanh nghiệp

DN thủy sản kiến nghị bỏ bớt thủ tục trong quản lý định mức

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp (DN) thủy sản đang gặp vướng mắc trong việc thựchiện Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6-12-2010 của Bộ Tài chính về thực hiện đăng kí định mức sử dụng, định mức tiêu hao đối với nguyên, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí VASEP, để tăng cường xuất khẩu (XK) và đa dạng hóa sản phẩm, nhiều DN đã chọn phương án nhập khẩu (NK) nguyên liệu để chế biến hàng XK, với phương thức nhập sản xuất xuất khẩu chiếm hơn 70%. Để chủ động nguồn nguyên liệu, các DN thường NK nguyên liệu vào mùa vụ và mua theo số lượng lớn, có khi phải mua cả tàu để dự trữ.
 
Với số lượng mua mỗi lần rất lớn như vậy, DN không thể chế biến XK hết theo một hợp đồng mà tùy theo hợp đồng ký kết về chủng loại sản phẩm để lựa chọn nguyên liệu chế biến cho phù hợp.
 
Mặt khác, do đặc thù của nguyên liệu chế biến thủy sản là hàng đông lạnh, trong quá trình chế biến phải rã đông, gọt bỏ phần phụ phẩm, phải rửa dưới nước nhiều nên phần thịt vụn không thể gom lại được, việc này gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện một số quy định về quản lí định mức, sử dụng định mức tiêu hao, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong SXXK của cơ quan quản lý.
 
Cụ thể, về khai định mức, khoản 2, Điều 33 Thông 194/2010/TT-BTC quy định: "thông báo định mức phải thực hiện cho từng mã sản phẩm theo mẫu". Tuy nhiên, trên thực tế sản xuất của các DN, phần tỉ lệ hao hụt là rất khó theo dõi vì nguyên tắc, khi sản xuất có rất ít DN theo dõi thông số này riêng mà chủ yếu theo dõi phần định mức cuối cùng của sản phẩm, trong phần định mức này đã bao gồm cả phần hao hụt.
 
Bên cạnh đó, khi xuất lượng nguyên liệu ra sản xuất, DN chỉ căn cứ vào nguyên liệu đưa vào sử dụng và các chính phẩm thu về được để từ đó tính ra định mức và tính ra lô nguyên liệu đó tiêu hao bao nhiêu gồm tỷ lệ hao hụt và định mức.
 
Với thực tế trên, VASEP kiến nghị, phần định mức nên gom lại là định mức tiêu hao, bao gồm tỷ lệ hao hụt và định mức, không nên tách riêng thành định mức mức riêng và tỉ lệ hao hụt. Vì nếu tính riêng như vậy sẽ làm mất nhiều thời gian tính toán, chứng từ phải kẻ nhiều cột mà có phần không thực tế chỉ là lý thuyết mà các DN phải thực hiện.
 
Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 34 Thông tư 194 quy định “Tờ khai NK trước, tờ khai XK trước phải thanh khoản trước; trường hợp tờ khai NK trước nhưng do nguyên liệu, vật tư của tờ khai này chưa đưa vào sản xuất nên chưa thanh khoản được thì DN phải có công văn giải trình với cơ quan Hải quan khi làm thủ tục thanh khoản.
 
Theo ông Trương Đình Hòe, các DN gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định nêu trên. Bởi vì đặc điểm đối với mặt hàng thủy sản là cá đánh bắt tự nhiên NK, nguyên liệu NK này không chỉ để sản xuất ngay mà DN còn phải dự trữ hoặc khi DN kí kết lô hàng với chủ tàu đánh bắt, chủ tàu yêu cầu DN mua hết sản phẩm trên tàu, trong đó có những mặt hàng cần và có những mặt hàng chưa cần cho đơn hàng, DN phải trữ lại để sản xuất sau… Đây là tình trạng xảy ra thường xuyên đối với các DN, nếu cứ phải làm công văn giải trình theo yêu cầu thì phải lặp đi lặp lại trong các bộ chứng từ sẽ mất nhiều thời gian, gây thủ tục rườm rà cho cả Hải quan và DN.
 
Để giảm bớt thủ tục cho cả Hải quan và DN, VASEP kiến nghị, nên bỏ quy định phải giải trình đối với các trường hợp nêu trên; đồng thời, bộ hồ sơ hoàn thuế nào đầy đủ các yêu cầu điều kiện về thanh khoản thì nên tiến hành cho thanh khoản, không nên căn cứ vào tờ khai xuất trước hoàn trước, tờ khai xuất sau, hoàn sau…/.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo