Doanh nghiệp bán lẻ ngoại chiếm thị phần tại Việt Nam
Hiện trên thị trường có rất nhiều hệ thống bán lẻ thương hiệu ngoại đã và đang có mặt tại Việt Nam.
Theo phân tích từ các nhà đầu tư, Việt Nam đang có tiềm năng phát triển lớn về sức mua với hơn 60% dân số đang ở độ tuổi lao động có khả năng chi trả cao, do đó việc trở thành thị trường mục tiêu, hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ là điều dễ hiểu. Thực tế cũng cho thấy, trên thị trường có rất nhiều hệ thống bán lẻ thương hiệu ngoại đã và đang có mặt tại Việt Nam.
Dễ thấy nhất là Tập đoàn Berli Jecker (BJC) Thái Lan đã mua hệ thống bán lẻ Family Mart và đổi B’smart, tiếp đến là cái tên đình đám Robins của Tập đoàn Central xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Nhưng chỉ đến khi sự kiện chuỗi bán sỉ Metro Việt Nam về tay BJC thì mới được coi là điểm nhấn cho cuộc đổ bộ của hàng Thái Lan vào thị trường nội địa. Ngoài BJC và Central, còn rất nhiều đại gia bán lẻ Thái Lan đang có ý định thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam.
Không chỉ có sự góp mặt của các thương hiệu lớn của Thái Lan, sự ra đời liên tiếp của hai hệ thống AEON của Nhật Bản trong năm 2014 tại TP.HCM và Bình Dương chứng tỏ Việt Nam đang có sức hút không nhỏ để các nhà đầu tư ngoại khai thác.
Ông Nagahisa Oyama - Phó Chủ tịch Tập đoàn AEON nhận xét: “Việt Nam có số dân đông và trẻ nên nhu cầu mua sắm rất lớn, đồng thời kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh, thu nhập đang được cải thiện ngày càng cao, họ sẽ làm cho ngành bán lẻ có doanh thu cao”.
Theo Hiệp Hội bán lẻ Việt Nam, với hơn 90 triệu dân nhưng thị trường bán lẻ của Việt Nam chỉ mới chiếm hơn 20% thị phần. Thách thức có thể thấy rõ ở sự canh tranh về quy mô, về vốn, quản trị và cả chiến lược marketing của doanh nghiệp ngoại có phần trội hơn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết: “Số liệu gần đây về CPI của Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam đứng vị trí thứ hai so với những thị trường ở châu Á hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới vẫn còn giữ sức hấp dẫn và vẫn rất có tiềm năng”.
Đúng như nhận định của Sở Công Thương TP.HCM, thị trường bán lẻ tại Việt Nam không thiếu tên tuổi của các nhà đầu tư nước ngoài đang tạo chuỗi tiện ích như CKey, B’mart, Family mart... việc nhiều nhà bán lẻ nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng trong nước có nhiều sự lựa chọn hơn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là nếu các doanh nghiệp Việt không định vị rõ bản sắc của mình để lôi kéo khách hàng mục tiêu thì nguy cơ mất thị phần là điều khó tránh khỏi.
Theo Cafef
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo