Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp CNTT “chớp” cơ hội từ nông nghiệp

Theo các chuyên gia, nếu nhìn Nhật Bản hay Israel ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao năng suất và hiệu quả cho ngành nông nghiệp thì sẽ thấy CNTT đang đứng ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

 Cho đến nay, việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp chỉ mới bắt đầu, chủ yếu là ứng dụng trong các cơ quan quản lý ngành. Còn ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thì mới có một số ít doanh nghiệp thực hiện. Với đa số nông dân, dường như đây vẫn là câu chuyện của tương lai. Nhưng thực trạng này lại chính là cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT và viễn thông (ICT) tham gia cung cấp các giải pháp CNTT.

 
Giải pháp của Viettel
 
Dựa trên hạ tầng viễn thông có sẵn của mình. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cung cấp giải pháp Agri.one. Đây là hệ thống thông tin điện tử nhằm cung cấp, giải đáp, tư vấn cho nông dân những thông tin về vay vốn, chọn giống, các kỹ thuật nuôi trồng, thông tin thời tiết, kinh nghiệm phòng chữa bệnh cho vật nuôi, cây trồng... Ví dụ, để nhận thông tin về giá lúa tại Vĩnh Long, chủ thuê bao di động có thể soạn tin nhắn theo cú pháp LUA VL hoặc GIALUA VL gửi 6000 (thuê bao Viettel) hoặc 6700 (thuê bao mạng khác), hoặc gọi điện thoại đến tổng đài 1068 để được trả lời. Hiện Agri.one đang tập trung vào các nhánh dịch vụ chính là lúa, tôm, cá, cà phê và đã triển khai rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Những thông tin mà Viettel cung cấp dựa trên những nguồn tin chính thống, hợp tác với các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp...
 
Theo ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Phát triển dịch vụ mới, bộ phận giải pháp CNTT và viễn thông của Viettel, lâu nay nông dân gặp nhiều khó khăn (như bị thương lái ép giá, bị động trong phòng chống dịch bệnh cho sản phẩm...) là do họ thiếu thông tin cập nhật và kiến thức liên quan đến nông nghiệp. Viettel muốn tận dụng hạ tầng viễn thông và CNTT sẵn có cung cấp dịch vụ hữu ích cho nông dân, đồng thời tạo doanh thu cho mình.
 
Viettel cho biết sắp tới sẽ mở rộng dịch vụ này ra năm tỉnh Tây Nguyên và sáu tỉnh Đông Nam bộ. Trong tương lai sẽ cung cấp dịch vụ trên toàn quốc.
 
FPT và giải pháp của Fujitsu
 
FPT chưa tự phát triển giải pháp CNTT cho nông nghiệp mà trước mắt, chọn phân phối giải pháp của nước ngoài.
 
Cuối năm 2014, FPT hợp tác với tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản khởi động việc cung cấp giải pháp quản lý nông nghiệp Akisai vào Việt Nam. Akisai được ứng dụng trong nhiều giai đoạn khác nhau như sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ.
 
Theo ông Mitsutoshi Hirono, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc phụ trách kinh doanh sáng tạo của Fujitsu, ứng dụng giải pháp Akisai trong trồng cà chua (thay đổi từ phương pháp canh tác truyền thống sử dụng tay chân sang dùng máy tính) tại Nhật Bản đã giúp tăng năng suất từ 20 tấn lên 50 tấn/héc ta, giúp thu nhập của người nông dân tăng gấp 3 lần.
 
Hiện FPT đang phối hợp với Fujitsu hình thành những khu nông nghiệp mẫu để kiểm thử giải pháp Akisai tại Gia Lâm - Hà Nội và Khu công nghệ cao TPHCM trong năm 2015-2016. Trung tâm khảo nghiệm này sẽ là nơi tham quan cho các cơ quan, doanh nghiệp và nông dân quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp. Trước mắt, giải pháp Akisai được áp dụng cho trồng cà chua, dưa chuột, ớt ngọt và hoa lan. Qua giai đoạn thử nghiệm, FPT sẽ thương mại hóa giải pháp Akisai và các giải pháp ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp của Fujitsu tại thị trường Việt Nam. Akisai sẽ được triển khai dưới dạng cho thuê phần mềm, dịch vụ CNTT.
 
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, cho biết đây là giải pháp CNTT trong nông nghiệp của Nhật Bản lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam. Trong thời gian tới, FPT sẽ hợp tác với nhiều nhà cung cấp giải pháp CNTT trong nông nghiệp của thế giới để đưa thêm nhiều giải pháp vào Việt Nam nhằm góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới. Sau này mới tính chuyện tự phát triển các giải pháp riêng của FPT. Ông Bình cho biết hiện FPT chưa có doanh thu từ mảng nông nghiệp.
 
Theo các chuyên gia trong ngành, khi sự tham gia của các doanh nghiệp “đầu đàn” gặt hái thành công sẽ kéo theo các doanh nghiệp khác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào nông nghiệp.
 
 

 Cho đến nay, việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp chỉ mới bắt đầu, chủ yếu là ứng dụng trong các cơ quan quản lý ngành. Còn ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thì mới có một số ít doanh nghiệp thực hiện. Với đa số nông dân, dường như đây vẫn là câu chuyện của tương lai.

 Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp: chỉ doanh nghiệp thì không thể

 
Tại một hội thảo về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Matan Nemenoff, Tổng giám đốc châu Á của tập đoàn quốc tế ORCA của Israel, cho biết tại Israel, vào năm 1955, một nông dân chỉ nuôi được 15 người, nhưng đến năm 2007 thì đã nuôi được 100 người nhờ ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Hiện Israel là quốc gia dẫn đầu thế giới về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp.
 
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng giúp Việt Nam thành công trong hai thập kỷ qua. Do đó, Việt Nam cần nâng cao năng suất và hiệu quả của nông nghiệp hơn nữa, và CNTT có thể giúp thực hiện điều này.
 
Còn theo ông Nguyễn Ái Việt, Giám đốc Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, đầu tư cho nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, thấp hơn 15 lần so với 20 năm trước. Song, Việt Nam đang có những dấu hiệu thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào nông nghiệp, như tỷ lệ nông dân sử dụng điện thoại di động cao, kết nối Internet cáp quang đã đến tận tuyến xã... Những khó khăn của việc ứng dụng CNTT là trình độ dân trí ở nông thôn còn thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư vào nông nghiệp.
 
Ông Tsuyoshi Yamamoto, Chủ tịch của Tổ chức CNTT tiên phong, thành phố Sapporo, Nhật Bản thì cho rằng trong 20-40 năm nữa, Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch dân số giống Nhật Bản. Dân số sẽ già đi nên cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ bây giờ để đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực trong độ tuổi lao động.
 
Nguồn tin từ Công ty Green 2000 của Israel tại Việt Nam cho biết công ty này có mặt tại Việt Nam từ năm 2010 nhưng mới chỉ thực hiện được vài dự án. Trong đó, dự án trồng rau và gia vị xuất khẩu có diện tích 4 héc ta tại Nghệ An đang được triển khai. Còn dự án nhà kính trồng rau 3 héc ta tại Phú Quốc đã lên kế hoạch thực hiện nhưng phải tạm ngưng vì đối tác Việt Nam không đủ vốn.
 
Theo các chuyên gia, nguồn vốn hạn chế là một trong những yếu tố ngăn cản doanh nghiệp nông nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ cao. Một hệ thống nhà kính hoàn chỉnh áp dụng công nghệ Israel cho 1.000 mét vuông diện tích cần 2-3 tỉ đồng và cần hàng chục năm để thu hồi vốn đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
 
Muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nông nghiệp thì Chính phủ phải là người khởi xướng. Chính phủ cần có định hướng phát triển vĩ mô và đầu tư ngân sách phù hợp, nếu thiếu ngân sách, có thể khuyến khích khối tư nhân tham gia. Chính phủ cũng cần tuyên truyền để nông dân thấy tầm quan trọng và hiệu quả tăng năng suất, tăng thu nhập của việc ứng dụng CNTT.
 
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, kế hoạch ứng dụng CNTT trong nông nghiệp còn phải quan tâm tới việc đào tạo về CNTT cho đội ngũ kỹ sư nông nghiệp. Họ sẽ giúp lan tỏa kiến thức CNTT tới đông đảo nông dân.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo