Doanh nghiệp “dễ thở” nhờ áp thuế tự vệ phân bón
Doanh nghiệp nội thở phào
Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu tháng 3/2018, với mức thuế 1.128.531 đồng/tấn, kéo dài trong thời gian 2 năm.
Sau 2 năm, Bộ sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không.
Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức được đưa ra sau khoảng 6 tháng bộ này áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, với mức thuế tự vệ là 1.855.790 đồng/tấn.
Kết luận điều tra cuối cùng của Bộ Công thương cho thấy, lượng phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã tăng cả tuyệt đối và tương đối trong giai đoạn điều tra. Cũng theo Kết luận điều tra, hàng hóa nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013 - 2016.
Mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (bằng mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán trong điều kiện không có thiệt hại) là 1.855.790 đồng/tấn. Cùng với đó là hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017, nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 đồng/tấn. Mức thuế này chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công thương) cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp DAP nội đã phải chịu nhiều áp lực như chi phí tài chínhcao, phân bón Trung Quốc ồ ạt chiếm thị trường với lượng lớn và giá thấp. Do đó, việc áp dụng biện pháp thuế tự vệ tạm thời với DAP được Bộ Công thương nghiên cứu và triển khai, đảm bảo phù hợp với các cam kết của WTO, bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Nguyên đơn chính trong vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu không ai khác là 2 doanh nghiệp phân bón DAP thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV) và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thuế tự vệ chủ yếu áp lên phân bón DAP, do đó, việc áp thuế tự vệ này có lợi cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian duy trì thuế tự vệ.
Đơn cử, Công ty cổ phần DAP - Vinachem đã công bố kết quả kinh doanh quý cuối cùng của năm 2017 với mức lãi 47,43 tỷ đồng, tăng đột biến 193 tỷ đồng so với số lỗ hơn 145 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.
Ban lãnh đạo DAP Vinachem cho rằng, kết quả kinh doanh khởi sắc mạnh là do doanh thu bán hàng trong quý IV/2017 đạt 603,44 tỷ đồng, tăng 186 tỷ đồng so với cùng kỳ tương ứng mức tăng 44,5%.
Theo báo cáo, sản lượng DAP tiêu thụ trong quý IV/2017 đạt hơn 67.729 tấn, tăng 12.232 tấn so với quý IV/2016. Giá bán cũng tăng bình quân gần 1,33 triệu đồng mỗi tấn, đạt trên 8,63 triệu đồng/tấn.
Sự khởi sắc về kinh doanh tiếp tục đến với DAP-Vinachem trong 2 tháng đầu năm 2018, khi doanh nghiệp báo lãi 6,6 tỷ đồng. Với tín hiệu này, lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng, dự án sẽ sớm thoát khỏi danh mục 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.
Không nên ỷ lại vào công cụ tự vệ
Mấu chốt để ngành sản xuất trong nước đỡ khó trước sức ép của hàng nhập khẩu không phải chỉ nằm ở thuế tự vệ, mà còn ở năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Về năng lực sản xuất, các doanh nghiệp nội đáp ứng được gần 80% nhu cầu, riêng phân đạm urea cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn, phân lân, phân hỗn hợp NPK cơ bản đáp ứng, riêng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm DAP khoảng 1 triệu tấn, thì sản xuất trong nước đáp ứng trên 52% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu.
Đại diện Cục Hoá chất cho biết, tự vệ là một trong 3 biện pháp phòng vệ thương mại (hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp) được WTO cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có sự gia tăng của hàng nhập khẩu và sự gia tăng đó đã và đang gây ra (hoặc có thể gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng luôn có tác động hai chiều, đó là có lợi cho đối tượng này và bất lợi cho đối tượng khác.
Bộ Công thương cho biết, trước năm 2009, khi ta chưa có sản xuất trong nước, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008), dẫn đến thiệt hại nặng cho nông dân. Do đó, với một nước nông nghiệp như Việt Nam, tự chủ nguồn cung phân bón là vấn đề quan trọng.
Thực tế cho thấy, với những ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, thép, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo..., khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn, đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để phát triển các ngành sản xuất này.
Cụ thể hơn, với hai nhà máy sản xuất DAP trong nước đang gặp khó, đồng thời cũng là nguyên đơn của vụ việc, nếu trong trường hợp mà 2 nhà máy ngừng hoạt động, 100% phân DAP lại phụ thuộc nhập khẩu như trước kia và Việt Nam có thể phải đối diện nguy cơ giá DAP quay lại thời kỳ lũng đoạn trước đây.
Ông Thúy cũng lưu ý, việc áp thuế tự vệ được coi là biện pháp hỗ trợ mang tính cấp bách, giúp ngành sản xuất phân bón DAP trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, nhưng về lâu dài, ngành sản xuất trong nước, cụ thể là doanh nghiệp sản xuất DAP, MAP không nên ỷ lại vào công cụ tự vệ, mà phải nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, từ khâu tính toán tiết giảm chi phí đầu vào, hệ thống phân phối, bán hàng…
End of content
Không có tin nào tiếp theo