Doanh nghiệp địa ốc tìm cơ may mới
Sau vụ việc chuyển hướng kinh doanh, thay đổi chức năng từ một dự án căn hộ ở Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) sang làm bệnh viện của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584) bất thành, mới đây, giới kinh doanh địa ốc khá bất ngờ với thông tin Công ty 584 đã “bơm” 500 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) để giúp doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản này hồi sinh.
Theo ông Trần Kim Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty 584, ngay sau Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Công ty 584 đã bổ sung ngành nghề kinh doanh khai thác thủy sản.
Hội đồng quản trị Công ty đã thống nhất chủ trương hợp tác với Bianfishco. Theo ông Minh, kinh doanh xuất khẩu thủy hải sản là một ngành thế mạnh đầy tiềm năng. Bianfishco là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về kinh doanh mặt hàng này và có nguồn khách hàng tiềm năng rất lớn tại Mỹ.
Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành kinh doanh bất động sản nói riêng, Chính phủ đang có chủ trương ưu đãi về vốn với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thì đây là một cơ hội đầu tư khá tốt của Công ty 584.
Không chỉ Công ty 584, tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) mới đây, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc HQC cho biết, ngoài bất động sản là ngành chủ lực, năm 2012, HQC sẽ đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
“Thời gian qua, HQC đã xây dựng cơ sở chiếu xạ, xạ nhiệt cho thanh long ở Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, triển khai trồng 200 ha thanh long ở tỉnh Bình Thuận, kết hợp với nông dân, hộ kinh doanh để chủ động nguồn thanh long xuất khẩu. Theo kế hoạch, HQC sẽ là đơn vị đại diện cho Bình Thuận trong xuất khẩu thanh long”, ông Tuấn nói.
Ông còn cho biết, để thực hiện mục tiêu này, HQC đã mua lại 34% vốn ở Công ty Xuất khẩu Lạng Sơn, nhằm thông qua đơn vị này để đưa thanh long sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia. Nguồn thu từ xuất khẩu thanh long ước sẽ góp khoảng 100 tỷ đồng trong cơ cấu doanh thu của HQC năm 2012.
Tương tự, với Công ty cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (DreamHouse), trong chiến lược kinh doanh thời gian tới, ngoài lĩnh vực địa ốc, Dream House sẽ đẩy mạnh lĩnh vực mua bán, đại lý phân bón. Tập trung vốn lưu động triển khai nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được.
Dự kiến, trong năm 2012, Dream House sẽ phân phối 200.000 - 220.000 tấn phân bón các loại, với doanh thu khoảng 250 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng đang lên kế hoạch chuyển hướng, hoặc mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác.
Chẳng hạn, sắp tới, Công ty Bất động sản Phát Đạt sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang một số lĩnh vực ngoài bất động sản; Tập đoàn Đất Xanh mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực xây dựng, khoáng sản; Công ty Bất động sản Việt Nam chuyển hướng đầu tư sang xây dựng chợ…
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc thời gian gần đây, các doanh nghiệp địa ốc mở rộng kinh doanh, đầu tư sang những lĩnh vực thủy sản, nông sản là một hướng đi đa dạng hóa ngành nghề, nhằm giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, không loại trừ sự chuyển hướng này cũng là “chiêu” mà các doanh nghiệp địa ốc áp dụng, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bởi lĩnh vực nông, thủy sản đang được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, trong khi bất động sản vẫn bị xếp vào diện không ưu tiên khuyến khích.
Vấn đề này đã từng diễn ra trong ngành mía đường, sau khi vay vốn, có trường hợp đã sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư vào lĩnh vực tài chính.
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo