Bài 1: Formosa - Động lực tăng trưởng của nền kinh tế Hà Tĩnh
Khu kinh tế Vũng Áng: Điểm sáng thu hút nhà đầu tư / Khơi thông tuyến vận tải biển giữa Hải Phòng - Vũng Áng - TP.HCM
Cấp phép đầu tư cho Formosa là sự lựa chọn đúng đắn
Từ bãi đất trống hoang vu, quanh năm ngập mặn, nhờ kêu gọi, thu hút đầu tư tài ba của Hà Tĩnh, nay ở đó đã hiện diện một quần thể nhà máy công nghiệp hiện đại bậc nhất khu vực Đông nam Á. Đó là Tập đoàn Hưng Nghiệp thép Formosa Đài Loan tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 7 ngàn lao động thuộc con em Hà Tĩnh và các tỉnh miền lân cận. Formosa là doanh nghiệp hàng đầu đóng góp ngân sách cho nhà nước.
Những năm 2007 - 2008, đất nước ta đang rất cần điện, thép cho phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, đó cũng là thời điểm mà chúng ta chưa có cảng biển nước sâu nào mà tàu vài ba vạn tấn có thể cập cảng được. Ba ngành điện, thép và cảng biển vừa là những ngành cấp bách, vừa là yêu cầu cơ bản của sự phát triển kinh tế thời hội nhập. Từ thực tiễn đó, Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của đất nước như luyện thép, sản xuất điện và cảng biển. Formosa (FHS) cùng một số nhà đầu tư lớn khác lúc đó muốn lập dự án, xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khác chỉ chuyên về thép, không có đầu tư cảng biển, nhiệt điện, thậm chí, có nhà đầu tư còn yêu cầu cấp cả mỏ sắt Thạch Khê, riêng Formosa cam kết sẽ làm luyện thép, cảng biển, đầu tư nhà máy điện theo dây chuyền tổng thể.
Với mong muốn lựa chọn một nhà đầu tư đa ngành, Hà Tĩnh đã nghiên cứu kỹ và thấy rằng Tập đoàn Formosa là nhà đầu tư có năng lực tài chính, năng lực luyện thép, đồng thời cũng đã đầu tư nhiều cảng biển, cảng nước sâu thành công trên thế giới, có nhiều thành công trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tại Ðài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam... Năm 2007, tổng doanh thu lên tới gần 70 tỷ USD. Dự án đầu tư đa ngành: luyện thép, cảng nước sâu, nhiệt điện các ngành công nghiệp khác trong Khu Kinh tế Vũng Áng do Formosa đầu tư là Dự án có tầm quan trọng đặc biệt, tạo bước đột phá phát triển công nghiệp, tác động tích cực tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh và các tỉnh trong khu vực; là cơ hội và điều kiện tốt nhất để Hà Tĩnh cơ cấu lại lao động, sắp xếp lại dân cư theo hướng CNH - HÐH. Vì vậy, việc lựa chọn và cấp phép đầu tư cho Formosa là hoàn toàn đúng đắn, nằm trong các quy hoạch về cảng biển, quy hoạch điện 7 và quy hoạch ngành thép đã được Chính phủ phê duyệt.
Lời giải cho bài toán phát triển của Hà Tĩnh là dựa trên cơ sở phát triển nhanh công nghiệp, chỉ có công nghiệp mới giúp Hà Tĩnh vươn lên đạt được mục tiêu thoát nghèo. Từ định hướng đó, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để tạo ra "cú hích" cho sự phát triển kinh tế tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung.
Formosa là doanh nghiệp hàng đầu đóng góp ngân sách cho nhà nước
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 7 năm 2008, bên cạnh những mặt thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội thì cũng phát sinh nhiều diễn biến phức tạp, nhất là về an ninh trật tự (ANTT), môi trường... Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, một bộ phận nhân dân buổi đầu chưa thực sự đồng tâm, hợp lực với chủ trương, chính sách GPMB đối với một dự án lớn khi đầu tư trên quê hương, phần nào gây khó khăn cho nhà đầu tư ngay từ những ngày đầu.
Đặc biệt là sau sự cố về môi trường biển (tháng 4/2016), đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và kinh doanh của công ty. Trước tình hình đó, Công ty đã cùng với cấp ủy chính quyền địa phương từng bước khắc phục hậu quả, tạo sự ổn định để tiếp tục phát triển sản xuất. Tập trung giải quyết hậu quả của sự cố môi trường, trên cơ sở hệ thống hạ tầng bảo vệ môi trường vốn có, Công ty đã đầu tư thêm gần 500 triệu USD để xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống nâng cấp, bảo vệ môi trường và công nghệ sản xuất. Đến nay, chất lượng đầu ra của nước thải và khí thải tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ 24/24 bằng hệ thống quan trắc tự động, liên tục, kết nối trực tiếp về các cơ quan chức năng để giám sát, theo dõi. Chất lượng đầu ra của nước thải và khí thải đều phù hợp với tiêu chuẩn kiểm soát quốc gia, đang dần phấn đấu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với các nước tiên tiến trên thế giới.
Đi qua những ngày sóng gió, vượt qua những khó khăn thách thức, Khu kinh tế Vũng Áng nói chung và dự án Formosa nói riêng đã xây dựng được một diện mạo và hình ảnh công nghiệp hóa hiện đại, nơi mà bao đời nay ví là vùng đất “chảo lửa túi mưa”.
Đến nay, chất lượng đầu ra của nước thải và khí thải của nhà máy đều phù hợp với tiêu chuẩn kiểm soát quốc gia
Năm 2020, trong toàn bộ khu vực dự án mau chóng trở thành một màu xanh phủ kín trùng điệp. Vùng đất ven biển trước đây, ngoài những nhà máy đang vận hành là những bồn hoa, những rặng cây xanh ngày đêm lao xao trong gió. Những hồ nước điều hòa sinh học được xây dựng, soi bóng cá tôm vẫy vùng minh chứng cho việc sản xuất, luyện cán thép từng ngày, từng giờ luôn đảm bảo an toàn môi sinh, môi trường của một nhà máy với công suất định hướng đạt 22 triệu tấn thép/năm. Có thể khảng định, Công ty Formosa đã khắc phục xong tất cả những lỗi kỷ thuật ban đầu, đảm bảo cải thiện môi trường, hiệu quả.
Chứng minh cho vấn đề trên, Tổ chức chứng nhận quốc tế - Viện tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI) đã trao giấy chứng nhận ISO tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường và quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho Formosa. Hiện nay, toàn bộ các hạng mục công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Formosa hoàn thành, cấp giấy xác nhận để vận hành chính thức. Theo lãnh đạo của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tổng kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường của dự án đến nay là khoảng 1,4 tỷ USD. Riêng các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường đầu tư sau sự cố môi trường là trên 350 triệu USD. Dự án Formosa đang từng ngày làm thay đổi diện mạo chung cho Khu kinh tế Vũng Áng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh,
Môi trường xanh ở Khu Công nghiệp Formosa
Năm 2018, sau khi lò cao số 2 đi vào vận hành đã nâng sản lượng thép của nhà máy đạt hơn 5 triệu tấn, doanh thu đạt 2,6 tỷ USD (tương đương 7.388 tỷ đồng). Từ kết quả sản xuất, kinh doanh của năm 2018, FHS đặt mục tiêu tiêu thụ 6,5 triệu tấn thép, doanh thu có thể đạt 3,4 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 300 triệu USD trong năm 2019. Tuy nhiên trong năm 2019, do biến động của thị trường sản lượng thép chỉ tiêu thụ được 5,8 triệu/6,5 triệu tấn, doanh thu đạt 3,05/3,5 tỷ USD khiến FHS chỉ đạt 89,2% kế hoạch đề ra. Mặc dù vậy, FHS vẫn là doanh nghiệp đóng góp nguồn ngân sách lớn với 7.830 tỷ đồng cho Hà Tĩnh, tăng 442 tỷ so với cùng kỳ năm 2018.
Dù "gặp khó" nhưng Formosa vẫn là động lực quan trọng cho kinh tế Hà Tĩnh. Trong đó, thuế nội địa 1.103 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 6.727 tỷ đồng. Các mặt hàng xuất - nhập khẩu phát sinh thuế chủ yếu của công ty là máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, thép thành phẩm. Theo báo cáo FHS, sản lượng thép cuộn cán nóng tiêu thụ trong nước chiếm tỉ lệ 85% tổng sản lượng, tiêu thụ nước ngoài chiếm tỉ lệ 15%. Một số khách hàng đang là đối tác tiêu thụ của FHS như: Công ty TNHH POSCO International Việt Nam; Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC....
Với mục tiêu chất lượng, cùng với chiến lược kinh doanh hợp lý năm 2020, FHS vẫn giữ được tình hình sản xuất ổn định với sản lượng phôi thép đạt 5,85 triệu tấn, tiêu thụ 5,9 triệu tấn sản phẩm thép, doanh thu 2,9 tỷ USD. Các sản phẩm của FHS đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thép trong nước và thế giới với tỷ lệ tiêu thụ trong nước chiếm 80%, tiêu thụ nước ngoài chiếm 20%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo