Bỏ lương nghìn USD về hợp tác xã khởi nghiệp
Cận cảnh nhà của các tỷ phú công nghệ / Những tiểu thư kế nhiệm nổi tiếng của tỷ phú châu Á
Nhớ lại những ngày đầu, Điện kể anh đã mất nhiều đêm trắng suy nghĩ. Bảo không hồi hộp, lo lắng là nói dối, nhưng lòng quyết tâm, nhiệt huyết thì lớn hơn nhiều và không hề tồn tại sự sợ hãi.
Dẫu biết con đường phía trước sẽ còn lắm chông gai, nhưng tuổi trẻ thôi thúc anh trở về và đem lại giá trị trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” - xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Ngã rẽ định mệnh
Sinh năm 1983, lớn lên trong một gia đình nông dân truyền thống, anh trở thành niềm tự hào của cả dòng họ khi thi đỗ đại học. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, anh được nhận vào làm tại một tổ chức phi chính phủ. Mức lương nghìn USD càng khiến anh và gia đình “mở mày, mở mặt”.
Điện chia sẻ vào những năm 2000, đại học có giá lắm, chứ không “đại trà” như bây giờ. Nhà nào có thì dựng rạp, mời cả làng dự khao. Nhà nào không có cũng phải dăm mâm mời họ hàng, người thân. Ra trường, nhận việc với mức lương nghìn USD là điều vượt quá sức tưởng tượng của anh và những người xung quanh.
“Mình trở thành của hiếm của làng nên “vênh” lắm. Mọi người cũng cho mình cái quyền được vênh như thế. Về mọi mặt, mình lúc đó đang có một cuộc đời như mơ. Nhưng chỉ sau khoảng 3 năm, vòng luẩn quẩn “sáng đi, tối về, đến tháng nhận lương” khiến nhiệt huyết của mình cứ giảm dần, khiến mình như rơi vào khủng hoảng”, Điện kể lại.
Ông Nguyễn Trung Diện, Giám đốc Hợp tác xã Lúa Vàng |
Cuộc sống tù túng khiến anh bắt đầu nhen nhóm về một sự thay đổi. Cuối năm 2008, trong một buổi chiều lạnh và mưa tầm tã, chàng trai 25 tuổi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để… về quê lập nghiệp. Một quyết định gây sốc cho gia đình, người thân và kéo theo cả những nghi ngờ về một sai phạm nào đó khiến anh phải bỏ việc.
Chia sẻ về quyết định liều lĩnh của mình, Nguyễn Trung Điện cho biết: “Đó là một ngày cuối tháng, khi mình vừa nhận lương xong, cầm tiền trong tay mà lòng nặng trĩu. Số tiền ấy có thể là thu nhập 6 tháng, thậm chí là cả năm của một gia đình ở quê. Mình tự hỏi, người dân quê mình sẽ phải gắn bó với cái nghèo đến bao giờ. Nếu mình cứ cam chịu, sống cho riêng mình, thì ai sẽ là người chia sẻ khó khăn với họ”.
Bước chân khởi nghiệp
Với khao khát được cống hiến cho mảnh đất quê hương, Nguyễn Trung Điện trở về trong sự nghi ngờ của bạn bè, chòm xóm. Nhưng với lý tưởng và sự kiên định, anh bắt tay vào hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Với những kiến thức về chuyên ngành thú y học trong trường đại học và nhiều năm thực tiễn, anh thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín.
“Ngoài những kiến thức tại trường đại học, trong thời gian công tác, tôi được tham gia một số dự án về kỹ năng tổ chức sản xuất theo nhóm và đặc tính kinh tế hộ tại các vùng Tây Bắc, miền Trung. Ngay từ đầu, tôi đã xác định không chỉ làm mà còn phải thành công, thành công lớn để thu hút và thuyết phục người nông dân làm theo”, Nguyễn Trung Điện nói.
Bắt đầu với mô hình nuôi gà, không chỉ trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ thuật, anh lựa chọn kỹ về giống, thức ăn chăn nuôi và xây dựng một hệ thống chuồng nuôi hiện đại, phân cấp khoa học để phù hợp với từng giống, từng độ tuổi của gà. Ngoài ra, anh cũng nhận hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi gà trong vùng.
Giám đốc Nguyễn Trung Điện giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên về mô hình nuôi bò của HTX |
Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào chăn nuôi, mô hình nuôi gà của anh nhanh chóng gặt hái thành quả. Đàn gà lớn nhanh, phát triển ổn định, bảo đảm tiêu chuẩn về con giống, chất lượng thịt. Tại các hộ liên kết cũng cho thấy những ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, chi phí đầu tư giảm 20 - 30%.
Để giải quyết “bài toán” đầu ra cho sản phẩm, Nguyễn Trung Điện đã đích thân liên hệ với các đầu mối, lặn lội tới tận các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh để tiếp thị sản phẩm. Nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội, các sản phẩm gà thịt của anh và các hộ liên kết nhanh chóng được thị trường chấp nhận và đánh giá cao.
Làm điều lợi nhất cho người dân
Tiếng lành đồn xa, thành công của Nguyễn Trung Điện đã gây ấn tượng mạnh với các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Năm 2010, với uy tín gây dựng được, anh vận động hơn 10 hộ nông dân thành lập hợp tác xã mang tên hợp tác xã Nông nghiệp Lúa Vàng, thực hiện mở rộng quy mô, đa dạng loại hình kinh doanh, sản xuất.
Hợp tác xã Lúa Vàng được thành lập với số vốn điều lệ 2 tỷ đồng, hoạt động chủ đạo trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống lợn, bò và chăn nuôi lợn thương phẩm. Dưới sự lèo lái của Nguyễn Trung Điện, hợp tác xã có những bước tiến vững chắc và mang lại những lợi ích thiết thực cho thành viên.
Sau những năm đầu ổn định hoạt động, hợp tác xã bắt đầu có lãi từ năm 2015, tổng doanh thu đạt 25 tỷ đồng, mang lại thu nhập bình quân 30 - 50 triệu đồng/ năm cho hộ thành viên. Năm 2016, tổng doanh thu hợp tác xã tăng lên 32 tỷ đồng, thu nhập bình quân của hộ thành viên đạt 70 - 80 triệu đồng/năm.
Trong hai năm 2017 và 2018, doanh thu của hợp tác xã đạt mức xấp xỉ 40 tỷ đồng/năm, số thành viên hợp tác xã tăng lên con số 42, tiếp tục hoạt động ổn định trong hai lĩnh vực chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Trong kế hoạch từ nay đến hết năm 2020, hợp tác xã dự kiến thúc đẩy hoạt động sản xuất và xây dựng thương hiệu “Lúa chất lượng cao Yên Dũng”.
Đang gặt hái nhiều thành công với những con số đáng nể về doanh thu và lợi nhuận, Giám đốc Nguyễn Trung Điện lại khẳng định giá trị lớn nhất của hợp tác xã không phải là tiền, mà là sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân.
Các “vệ tinh” của hợp tác xã tiếp cận với sản xuất hiện đại, minh bạch, công bằng, hướng đến những bước tiến dài hơn trong tương lai.
10 năm lập nghiệp, Nguyễn Trung Điện hiện có nhà lầu, xe đẹp, được mọi người nể phục. Giữ chức Giám đốc, nhưng anh lại thích được gọi bằng Chủ nhiệm, vì nó gần dân hơn.
Anh bảo chỉ khi gần dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, người lãnh đạo mới biết người dân cần gì và phải làm điều gì để có lợi nhất cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo