Doanh nghiệp - Doanh nhân

Các điều kiện cần thiết để hút các 'đại bàng' trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, kinh tế Việt Nam trong vài năm gần đây tăng trưởng rất nhanh và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt, lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực đang được Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư.

Hơn 300 doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế Food & Hotel Vietnam 2024 / Báo chí Argentina đánh giá cao đóng góp của SMEs trong kinh tế Việt Nam

Chú thích ảnh
Quang cảnh Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024. Ảnh:nhandan.vn

Nhằm thu hút các “đại bàng” thế giới trong ngành điện tử bán dẫn, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thứ nhất là hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn. Thứ hai, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường.

Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.

“Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu”, Thứ trưởng phát biểu tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024” diễn ra ngày 26/3.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho rằng, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

“Vì vậy, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới. Vì vậy, Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Hiện nay, Việt Nam đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, trên 430 tỷ USD; đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về quy mô thương mại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Việt Nam ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển…; trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh cũng là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Để thu hút dòng vốn FDI trong ngành bán dẫn, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Theo đó, Chính phủ đã giao các bộ, ngành; trong đó, có Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.

 

Cụ thể, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

“Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương triển khai Đề án này và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.

Cùng với đó, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Trong đó có 8 lĩnh vực phát triển trọng tâm của NIC, gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và y tế; trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đã ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, để tiếp tục tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025 có 2 đến 5 khu công nghiệp mới được thành lập, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư.

“Thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Acuity Funding nhìn nhận, khi sản xuất tại Việt Nam trở nên tinh vi hơn, nhu cầu về lực lượng lao động lành nghề sẽ tăng lên. Để chuẩn bị cho nhu cầu này, Việt Nam sẽ cần đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để cung cấp cho các ngành công nghiệp lực lượng lao động có năng lực; đồng thời, cần xây dựng các khu công nghiệp tích hợp đầy đủ và trung hòa năng lượng phù hợp với tương lai của sản xuất. Sự gia tăng dự kiến trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ làm tăng nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và hậu cần.

TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) chia sẻ, khi nhiều “đại bàng” trong ngành điện tử, bán dẫn chọn Việt Nam là điểm đến, có thể kể đến nhưng tên tuổi như: Intel, Bosch, Panasonics, Kyocera, Foxconn, Samsung, LG… “Với sự có mặt của nhiều ông lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã có nhiều cải thiện và được họ đánh giá rất cao”, ông Phan Hữu Thắng Thắng khẳng định.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm