Đang ngập trong nợ nần, Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng tới Canada
Cổ phiếu Vietnam Airlines HVN bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/4 / Vietnam Airlines rao bán 11 chiếc máy bay cũ
Bộ Giao thông Vận tải Canada đã cấp cho Vietnam Airlines chứng chỉ "Nhà khai thác hàng không nước ngoài" (Foreign Air Operator Certificate - FAOC) để thực hiện các chuyến bay đến nước này.Chứng chỉ này có hiệu lực từ 11/6 và không giới hạn thời gian, cũng như số lượng chuyến bay. Trước đó, hãng từng được cấp chứng chỉ này lần đầu tiên 3 tháng (13/7 đến 13/10/2020) và được gia hạn đến ngày 15/11/2020. Từ đó đến nay, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được bay đến Canada.
Với chứng chỉ vừa nhận, Vietnam Airlines có thể thực hiện các chuyến bay chở hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và tất cả sân bay tại Canada. Trước mắt, hãng sẽ khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Canada về nước. Đồng thời, hãng hoàn thành các thủ tục cần thiết để vận chuyển hành khách là người Canada, thường trú nhân vĩnh viễn tại Canada và du học sinh từ Việt Nam đến Canada. Vietnam Airlines đang xây dựng kế hoạch khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Canada, trong đó hai thành phố lớn Toronto và Vancouver sẽ là những điểm đến chính. Chuyến bay sớm nhất dự kiến khởi hành ngày 30/6 để đưa người Việt từ Toronto hồi hương.
Với tổng chiều dài quãng đường bay hơn 20.000 km và thời gian bay khứ hồi hơn 30 tiếng, Vietnam Airlines sẽ bố trí sử dụng các tàu bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350. Hãng cũng sẽ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo tiêu chuẩn an toàn cao nhất để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay.
Tuy nhiên, gần đây Vietnam Airlines tiếp tục đứng trước nguy cơ phá sản khi không thể thanh toán các khoản nợ ngân hàng và cổ phiếu có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán do công ty làm ăn thua lỗ liên tục. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vietnam Airlines có số lỗ của quý I/2021 ở mức 4.800 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Điều được quan tâm là hãng hàng không này đang nợ những ngân hàng nào? Tại báo cáo tài chính mới nhất, quý 1/2021, VNA không nêu chi tiết các chủ nợ là ai. Tuy nhiên ở báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán cho thấy hãng hàng không này đang vay ngắn hạn (đều không có tài sản đảm bảo) gần 6.800 tỷ đồng và vay dài hạn gần 9.000 tỷ đồng.
Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng đều tăng mạnh, hoặc cho vay mới trong năm 2020, tổng dư nợ tăng từ 1.274 tỷ đồng lên 6.793 tỷ. Trong đó dư nợ tại Vietcombank tăng từ 769 tỷ đồng lên hơn 2.700 tỷ đồng, tại BIDV tăng từ 345 tỷ lên hơn 1.100 tỷ đồng; tại Tecchombank tăng từ mức 113 tỷ lên 849 tỷ đồng; ở SeABank từ 36 tỷ lên hơn 460 tỷ đồng. Riêng khoản vay từ MSB (239 tỷ đồng), MB (369 tỷ đồng) và Ngân hàng Bangkok Đại Chúng (110 tỷ đồng) là các khoản vay mới phát sinh.
Các khoản vay ngắn hạn của Vietnam Airlines tại các ngân hàng năm 2020 (ĐVT: Tỷ đồng).
Với các khoản vay dài hạn, Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất với dư nợ 4.841 tỷ đồng, tiếp đến là BIDV với 1.534 tỷ đồng, Eximbank 832 tỷ đồng, MB hơn 501 tỷ đồng, VietinBank hơn 426 tỷ đồng, VRB hơn 302 tỷ đồng, Indovina hơn 254 tỷ đồng, VIB hơn 171 tỷ đồng, TPBank hơn 62 tỷ đồng, Techcombank hơn 46 tỷ đồng, MSB hơn 19 tỷ đồng. Ngân hàng VPBank và Agribank cũng còn dư nợ dài hạn tạiVietnam Airlinesnhưng chỉ rất ít, lần lượt 2,6 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng.
Tính tổng cả vay nợ ngắn hạn và dài hạn thì Vietcombank đang là ngân hàng cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất với tổng cộng 7.500 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV với tổng cộng 2.600 tỷ đồng.
Dư nợ vay dài hạn của Vietnam Airlines tại một số ngân hàng tính đến hết năm 2020 (ĐVT: Tỷ đồng)
Ngoài các khoản vay từ ngân hàng, Vietnam Airlines còn nợ thuê tài chính dài hạn ở các tập đoàn tài chính nước ngoài tổng cộng hơn 18.200 tỷ đồng, trong đó chủ nợ lớn nhất là Tập đoàn ING hơn 8.100 tỷ đồng, Citibank hơn 5.793 tỷ đồng, Ngân hàng MUFG hơn 1.667 tỷ đồng, JP Morgan Chase hơn 1.287 tỷ đồng, HSBC hơn 1.163 tỷ đồng...
Trong khi đó, cổ phiếu HVN trên sàn chứng khoán vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực. Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Do đó, nếu không thể sớm tăng vốn điều lệ, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Cổ phiếu này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo