Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp 'ngồi trên đống lửa' vì giá nguyên phụ liệu

Nguyên phụ liệu nhập khẩu đầu vào cho các ngành sản xuất dệt may, nhựa, cơ khí, thép… tăng giá cao là áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực này. Vấn đề tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước lại được đặt ra khi đây vẫn còn là bài toán nan giải.

Quý I/2021: Số DN rút lui khỏi thị trường cao gần bằng số DN thành lập mới / Khánh Hoà: Công bố hơn 100 hoạt động, sự kiện kích cầu du lịch năm 2021

Ghi nhận từ các doanh nghiệp (DN) dệt may cho thấy họ đang gặp áp lực khi giá bông, sợi nhập khẩu (NK) tăng lên từ cuối năm 2020 cho đến vài tháng gần đây.

Gặp khó vì giá nhập khẩu tăng cao

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, giá bông nguyên liệu NK về Việt Nam đạt trung bình 1.625 USD/tấn, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm ngoái.

HINH-1839-1617615091.jpg

Giá nguyên phụ liệu NK đang tăng mạnh là bài toán hóc búa với nhiều DN sản xuất.

Hiện nay các thị trường cung cấp bông nguyên liệu nhiều cho Việt Nam sau Braxin là Mỹ, Ấn Độ, Australia…Trong đó, riêng giá NK từ thị trường cao nhất là Australia với mức giá 1.917 USD/tấn.

Còn theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các DN dệt may khá căng thẳng khi giá sợi tăng lên từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Ông Trường lưu ý trong khi giá sợi đã tăng 25% so với trước đó thì những đơn vị dệt gần như khó làm nổi, do giá vải chưa tăng lên, hoặc tăng không đáng kể.

Ngoài vấn đề giá nguyên liệu tăng, trong buổi trao đổi với các hội viên ở Tp.HCM mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tiếp tục nhấn mạnh một trong những thách thức của ngành dệt may trong năm nay đó là vẫn đang bị tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu.

Còn ở ngành nhựa, theo phản ánh thì do giá nguyên liệu NK gia tăng mạnh nên nhiều công ty sản xuất nhựa đã phải gửi thông báo tăng giá đến khách hàng.

 

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ tính riêng NK nhóm hàng nguyên liệu nhựa trong 2 tháng đầu năm 2021 đã đạt 1,13 triệu tấn, tương đương 1,72 tỷ USD, giá trung bình 1.513,6 USD/tấn, tăng 12,4% về lượng, tăng 32,8% về kim ngạch và tăng 18% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, riêng NK nguyên liệu nhựa từ Hàn Quốc (chiếm 18,8% trong tổng kim ngạch NK nguyên liệu nhựa của cả nước) đã tăng 17,9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân giá NK nguyên liệu nhựa tăng mạnh được cho là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu nhựa từ một số thị trường NK chính, cộng với việc thiếu container rỗng để vận chuyển.

Tổng giám đốc một DN sản xuất nhựa thuộc dạng lớn ở Tp.HCM cho biết, 60% nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất trong nước của công ty là phải NK, nhưng hoạt động vận chuyển lại gặp khó khăn từ quý 4/2020 cho đến nay làm giá nguyên liệu tăng chóng mặt. Điều này khiến cho công ty gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm nay.

Trong khi đó, có những công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật phải NK gần 100% nguyên liệu thì càng khó khăn hơn khi giá đầu vào tăng làm đội chi phí lên gần 20%.

 

Có tự chủ được không?

Không khá gì hơn, ở ngành cơ khí và ngành thép, qua ghi nhận từ một số DN ở phía Nam cho thấy so với giữa năm 2020, giá thép nguyên liệu đầu vào đã tăng đến 40%,khiến DN như ngồi trên đống lửa bởi hợp đồng sản xuất đã được ký kết từ các tháng trước chưa tính hết mức độ tăng giá của nguyên liệu.

Theo ghi nhận, từ đầu tháng 4/2021 thì nhiều DN ngành thép thông báo tăng giá bán các sản phẩm thép, tôn mạ,... do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Qua khảo sát thị trường thì thấy rằng giá các loại nguyên liệu sản xuất thép đang tăng cao bất thường từ những tháng cuối năm 2020 và liên tục thiết lập mốc giá mới trong những tháng đầu năm nay.

Trước vấn đề tăng giá nguyên phụ liệu đầu vào, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn NK, phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu nên phải đối mặt với những gián đoạn khá lớn khi xảy ra những sự cố như dịch Covid-19, vận chuyển… Do đó, bài toán tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước lại được đặt ra.

Chẳng hạn với ngành dệt may Việt, theo Ts. Majo George, Khoa Kinh doanh và Quản trị của đại học RMIT, có thể tham khảo bài học từ Bangladesh, quốc gia cho thấy khả năng hồi phục tốt trước tác động củadịch Covid-19. Nhất là nhiều DN dệt vải ở Bangladesh đã hiện đại hóa phương pháp sản xuất để tự chủ về nguyên liệu trong nước.

 

“Đây là một điểm yếu lớn của ngành dệt may và thời trang Việt. Cần ưu tiên nâng cấp ngành sản xuất vải với công nghệ mới nhất để Việt Nam có thể tự chủ đầu vào sản xuất”, Ts. George nói.

Còn với ngành nhựa ở Việt Nam, theo đánh giá thì mỗi năm phải cần trung bình khoảng 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS... chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau.

Trong khi đó, nguồn cung trong nước chỉ có khả năng cung cấp được khoảng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hóa chất, phụ gia cho nhu cầu của ngành nhựa Việt Nam. Tức là trong nước mới chỉ chủ động được khoảng 20 - 25% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào.

Và điều khó tránh khỏi là các DN sản xuất nhựa phải phụ thuộc lớn vào việc NK các loại nguyên liệu nhựa vốn không ngừng tăng về số lượng cũng như trị giá NK qua các năm. Việc này dẫn đến khi giá nguyên liệu nhựa NK tăng cao làm cho các DN trở nên lúng túng từ đầu vào cho đến đầu ra khi mà việc tăng giá thành sản xuất là khó tránh khỏi.

Rõ ràng, trước tình trạng phụ thuộc và bị động với nguồn nguyên phụ liệu NK thì việc tự chủ nguồn cung trong nước cho các ngành dệt may, nhựa, cơ khí, thép là cả bài toán nan giải. Điều quan trọng là các DN trong những lĩnh vực này nếu muốn tập trung vào phát triển bền vững thì phải cùng nhau liên kết để giải cho được phần nào bài toán này.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm