Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp phía Nam "căng mình" bảo vệ thành quả sản xuất trong mùa dịch

DNVN - Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, cùng với cả nước, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp hạn chế dịch xâm nhập, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) nuôi tham vọng từ quỹ đất trọng điểm / Làn sóng Covid-19 thứ 4 tác động nặng nề đến doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

Doanh nghiệp chủ động với trạng thái mới

Xác định phòng dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, những ngày qua, để bảo đảm an toàn cho công nhân yên tâm sản xuất và nâng cao công tác phòng dịch Covid-19, lãnh đạo Công ty CP Ba Huân (TP.HCM) đã chủ động nhiều giải pháp phòng dịch ngay tại văn phòng công ty cũng như nơi sản xuất.

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân - ông Phạm Thanh Hùng cho biết, giống như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Ba Huân cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Là doanh nghiệp chuyên về ngành thực phẩm thời gian qua, công ty cũng bị mất đi một số kênh tiêu thụ như trường học, nhà hàng, khách sạn… Nhưng ngược lại thì hệ thống kênh siêu thị, các của hàng bách hóa, các tiểu thương… lại tăng lên.

Tuy nhiên, với tầm nhìn và chiến lược đúng đắn từ Ban lãnh đạo đã giúp công ty có những bước đi vững chắc trong giai đoạn khó khăn này. Công ty CP Ba Huân cũng đang thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.

Công ty Ba Huân chăn nuôi cho đến tiêu thụ đúng theo quy trình của Vietgap, tạo ra những chuỗi sản phẩm sạch và đạt chất lượng tốt đến tay tiêu dùng.

Quy trình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm của Công ty Ba Huân theo quy trình của Vietgap, tạo ra những chuỗi sản phẩm sạch và đạt chất lượng tốt đến tay tiêu dùng.

Theo ông Hùng, Công ty CP Ba Huân thiết lập hệ thống phòng chống dịch, và thực hiện nghiêm túc thông điệp 5k của Bộ Y tế. Đẩy mạnh chủ trương tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty. Đồng thời, công ty còn bố trí những khu xử lý, thành lập các ban kiểm soát phòng chống dịch bệnh, trưởng đầu ngành sẽ là trưởng tiểu ban để lo cho ban của mình. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra đều đặn, duy trì công việc và thu nhập ổn định cho người lao động.

“Công ty Ba Huân là một trong những doanh nghiệp bình ổn, phải bảo đảm sản xuất hàng hóa, các trang trại đang thực hiện nghiêm ngặt, công nhân tại các trại sẽ được bố trí ăn ở tại chỗ để sản xuất và phòng chống dịch. Đây là lúc mà các doanh nghiệp cần chung tay, đồng lòng cùng cả nước để thực hiện tốt trong công tác phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế”, ông Hùng chia sẻ.

Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp tại Bình Dương chủ động thực hiện mục tiêu kép (vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế), thời gian qua Công ty CP Sáng Ban Mai (ở KCN Mỹ Phước 2, Bình Dương) đã kích hoạt hệ thống chống dịch trong doanh nghiệp ở mức độ cao nhất.

Theo đó, Ban lãnh đạo Công ty CP Sáng Ban Mai đã thống nhất cho một nửa số nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh làm việc online tại nhà để bảo đảm công việc khi có dịch bệnh xảy ra. Tại nhà máy, công ty yêu cầu công nhân thực hiện giãn cách và thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly nếu có trường hợp F0.

để đảm bảo an toàn cho công nhân yên tâm sản xuất và nâng cao công tác phòng dịch Covid-19, lãnh đạo các doanh nghiệp ở Bình Dương đã chủ động nhiều giải pháp phòng dịch ngay tại nhà xưởng.

Để phòng dịch Covid-19, lãnh đạo các doanh nghiệp ở Bình Dương đã chủ động nhiều giải pháp phòng dịch ngay tại nhà xưởng.

Ông Trần Thành Trọng - Tổng Giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai cho biết, đơn vị đưa ra các phương án sẵn sàng để khi dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn chủ động sản xuất, bảo đảm sức khỏe cho công nhân ở mức tối đa. Người lao động cũng được nhắc nhở chung tay thực hiện mọi biện pháp, không để xuất hiện ca mắc Covid-19.

"Chúng tôi có người giám sát liên tục. Thậm chí Ban tổng giám đốc mỗi ngày thay phiên nhau giám sát từng công nhân để bảo đảm không sai sót trong việc thực hiện phòng dịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện phương án giao hàng không tiếp xúc để không có nguồn bệnh từ ngoài lây vào nhà máy, bảo đảm an toàn cho sản xuất. Bằng các biện pháp kịp thời, doanh nghiệp đã bảo vệ được thành quả sản xuất trong mùa dịch”, ông Trần Thành Trọng cho hay.

Ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, Bình Dương có 29 KCN với trên 2.000 doanh nghiệp; 12 cụm công nghiệp với 40.000 lao động; các khu nhà trọ đan xen các nhà máy, xí nghiệp, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp rất cao.

Hơn nữa, Bình Dương tiếp giáp với TP.HCM và 3 tỉnh lân cận: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, có rất nhiều người đi lại, giao thương hàng ngày. Đặc biệt là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các ca bệnh xâm nhập vào Bình Dương.

Theo ông Bùi Minh Trí, tỉnh xác định dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các KCN. Do đó sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm là công nhân, công tác phòng chống dịch ở các nhà máy được nâng cấp độ. Doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, quản lý công nhân như nơi ở, đi lại, đối tượng tiếp xúc để thuận tiện truy vết, khoanh vùng khi phát hiện ca nhiễm.

Chủ động bảo vệ vùng giáp ranh

Tại Đồng Nai, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác phòng chống dịch trong các doanh nghiệp, KCN cũng được đặt lên hàng đầu. Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có khoảng 1,2 triệu công nhân, trong đó có 600.000 người làm việc trong các KCN. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có số lao động lớn như: Công ty Changshin Việt Nam, Taekwang Vina, Pouchen, Tập đoàn Phong Thái,… có từ 20.000 - 40.000 công nhân lao động.

Trong khi đó, theo thống kê của các doanh nghiệp, mỗi ngày có khoảng 10.000 công nhân, chuyên gia nước ngoài đi - về giữa Đồng Nai và TP.HCM, Bình Dương. Đây được xem là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn từ những địa phương đang có dịch đến Đồng Nai. Nếu không kiểm soát chặt thì khi có dịch xâm nhập KCN, Đồng Nai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nơi làm việc của người lao động tại Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam được ngăn bằng các vách kính.

Nơi làm việc của người lao động tại Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam được ngăn bằng các vách kính.

Trước tình hình trên, nhiều công ty đã chủ động bố trí chỗ ăn ở cho chuyên gia, người lao động ngụ TP.HCM ở lại Đồng Nai trong thời điểm này. Ông Nguyễn Công Đoàn - Tổng giám đốc Công ty Daikan Việt Nam (đóng tại KCN Amata, TP. Biên Hòa) cho biết: “Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử trùng định kỳ toàn bộ khuôn viên công ty, khu vực sản xuất; Công ty còn tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách, bố trí lắp đặt các vách ngăn tại khu vực làm việc, nhà ăn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm”.

Đồng thời để chủ động ứng phó với dịch bệnh, công ty cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí ăn ở cho công nhân tại công ty để bảo đảm sản xuất. Theo đó, khu tạm trú của 45 lao động nam được bố trí tại một phần tầng 2 của nhà xưởng có diện tích 1.960 m2, với 8 máy lạnh di động bao quanh. Đối với 36 lao động nữ nơi lưu trú của họ là nhà ăn và phòng họp với tổng diện tích gần 300 m2 đã có sẵn máy lạnh. Đồng thời công ty còn trang bị các vật dụng cần thiết như lều ngủ chống muỗi, nệm, chăn, gối cho từng người, cũng như các tiện ích giải trí, thể thao phù hợp để phục vụ người lao động tạm trú ở công ty.

Tại Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam (KCN Biên Hòa 2), ông Lê Đức Vinh – Giám đốc Hành chánh & Nhân sự công ty cho biết, hiện đơn vị đang có khoảng 1.600 công nhân và được chia làm 3 ca sản xuất, tại các phân xưởng công nhân được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời công ty cũng đã tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

“Đối với xe đưa rước công nhân, công ty thực hiện theo quy định của các cơ quan chức năng, theo đó mỗi xe 45 chỗ ngồi chỉ chở tối đa 20 công nhân, công nhân được sắp xếp chỗ ngồi cố định trên xe (trường hợp công nhân vắng chỗ ngồi đó sẽ để trống”, ông Lê Đức Vinh chia sẻ thêm.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm