Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Việt vì một nền kinh tế thịnh vượng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, để trở thành một quốc gia thịnh vượng và gây dựng nên những đế chế kinh doanh với tuổi đời trăm năm, Việt Nam sẽ còn một con đường rất dài và đầy chông gai phải đi.

Máy bay 1,3 triệu USD bầu Đức vừa "tậu" để đi... làm đồng / Nếu không dành thời gian cho 6 điều nhỏ nhặt này, đừng mong một ngày giàu có như Bill Gates hay Warren Buffett

Doanh nhân Việt vì một nền kinh tế thịnh vượng
Bà Phạm Chi Lan

Cần những yếu tố nào để một quốc gia được đánh giá là thịnh vượng, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Một quốc gia thịnh vượng về cơ bản cần ba yếu tố chính. Đó là thu nhập tương đối cao, xã hội văn minh và hội nhập với thế giới bên ngoài.

Trước hết, về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người ít nhất phải đạt mức trung bình cao, từ khoảng 8.000-10.000 USD/người/năm trở lên.

Mức thu nhập đó phải dựa trên một nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và có tính cạnh tranh cao. Phát triển phải trên cơ sở tạo lập được nền tảng vững chắc về thể chế, con người, hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, đảm bảo cho sự tăng trưởng không ngừng được cải thiện cả về tốc độ và chất lượng, hiệu quả, thay vì đến một ngưỡng nhất định thì bị nghẽn hoặc đạt được tăng trưởng cao trong vài ba năm rồi chững lại, không đi tới được.

Phát triển kinh tế hướng tới sự thịnh vượng như vậy đòi hỏi phải có thể chế kinh tế tốt, với một nhà nước tập trung làm tốt những chức năng đích thực của mình, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân kinh doanh, một thị trường vận hành lành mạnh với lực lượng DN có tính cạnh tranh và khả năng sáng tạo cao, một xã hội có nền văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ tiên tiến. Đương nhiên muốn phát triển bền vững thì phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên một cách thật hiệu quả và bảo vệ tốt môi trường tự nhiên.

 

Sự thịnh vượng về kinh tế cũng chỉ có được khi các cơ hội và lợi ích phát triển được phân bổ công bằng, bình đẳng cho mọi người dân một cách thực chất. Khoảng cách giữa các nhóm thu nhập sẽ nẩy sinh trong quá trình phát triển, nhưng cần được thu hẹp bằng các chính sách hữu hiệu, thay vì để các cơ hội, lợi ích và thu nhập, tài sản trong xã hội tích tụ quá mức vào tay một nhóm quyền lực. Có thể còn lại một nhóm nhỏ bị thua thiệt hoặc dễ tổn thương thì phải có mạng lưới an sinh xã hội để bù đắp cho họ.

Xã hội văn minh hình thành vừa trên nền tảng kinh tế phát triển như nói trên, vừa trên cơ sở văn hóa, giáo dục, cấu trúc xã hội, các quan hệ xã hội và những thiết chế liên quan được phát triển một cách lành mạnh, nhân bản. Trong các xã hội văn minh thời hiện đại ngày nay, con người luôn là trung tâm của mọi sự phát triển, các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ của con người được tôn trọng tối đa, mỗi người có thể phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của mình cho lợi ích riêng, đồng thời phụng sự lợi ích chung của cả xã hội. Xã hội văn minh cũng giúp bảo vệ, tiếp thụ và phát huy những giá trị tốt đẹp, kiểm soát và thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định, bền vững, tạo lập và nâng cấp các thể chế minh bạch, hiệu quả hơn.

Hội nhập với thế giới bên ngoài vừa là điều kiện cần thiết, vừa là yếu tố không thể thiếu để có một quốc gia thịnh vượng. Lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới đã cho thấy rõ, không nước nào đóng cửa mà trở nên thịnh vượng được.

Thời đại ngày nay càng cần phải mở cửa, hội nhập, để khai thác các cơ hội và nguồn lực bên ngoài, học hỏi và tiếp thụ các bài học kinh nghiệm và sự sáng tạo khoa học-công nghệ vô tiền khoáng hậu trên thế giới để bổ sung cho các nguồn lực hữu hạn trong nước, thu hẹp khoảng cách với các nước khác và tạo sự phát triển vượt bậc cho mình.

Hội nhập, một mặt khác, cũng để nâng cao vị thế của quốc gia và đóng góp trở lại cho thế giới, chung tay với các nước, các dân tộc khác để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của cả nhân loại.

 

Việt Nam nói riêng và phần lớn các nước Đông Nam Á nói chung còn phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được sự thịnh vượng với ba yếu tố nói trên. Thịnh vượng đừng chỉ đơn thuần nhìn vào con số thu nhập bình quân đầu người hay tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Trong thời gian qua, Việt Nam còn chưa thực sự tạo được những nền tảng, động lực mới đủ mạnh và vững chắc để mang lại chất lượng cao, tính bền vững và hiệu quả cho tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tương đối cao, nhưng chưa thật ổn định, chưa cho thấy sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cấu trúc nền kinh tế một cách mạnh mẽ, căn cơ, cũng chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể về năng suất và hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân. Xã hội cũng còn ngổn ngang bao vấn đề, có những mặt thậm chí xuống cấp so với thời trước. Hội nhập có nhiều mặt thành công, nhưng cũng còn những hạn chế, nhất là về nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của DN nội.

Chúng ta mắc sai lầm như thế nào khi chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá?

Bà Phạm Chi Lan: Đây là một vấn đề mà Việt Nam đã mắc phải từ lâu. Thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn đương nhiệm, ông đã luôn nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển bền vững, làm sao để không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao mà phải cải thiện được chất lượng tăng trưởng. Các báo cáo hàng năm Chính phủ trình lên Quốc hội, bên cạnh những thành tích nhất định, đều thừa nhận chưa thực hiện tốt việc cải thiện chất lượng và hiệu quả tăng trưởng cũng như tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Điều đó chủ yếu thể hiện ở mô hình tăng trưởng và hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực ở nước ta. Trong hơn 30 năm đổi mới, chúng ta mải miết chạy theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và vốn đầu tư làm những công cụ chính. Thời gian đầu có thể mô hình đó là phù hợp, nhưng sau này, khi đã nhận ra cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang chiều sâu, thì chúng ta cũng chưa làm được bao nhiêu.

 

Chúng ta có 3 thành phần kinh tế chính, quốc doanh, hợp tác và tư nhân, có khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và luôn tuyên bố sự bình đẳng giữa các thành phần/khu vực kinh tế, nhưng trên thực tế vẫn luôn có sự phân biệt đối xử, đặc biệt trong phân bổ nguồn lực. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bao giờ cũng được ưu ái nhất, tiếp theo là FDI, khi đến lượt hợp tác xã hay doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thì chỉ còn những mẩu vụn của chiếc bánh thị trường. Nguồn lực hạn hẹp lẽ ra phải được phân bổ cho lĩnh vực, DN nào sử dụng hiệu quả nhất, thì lại phân bổ theo thành phần là chính, thì làm sao có thể mang lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế!

Thế rồi vì muốn có tăng trưởng cao, ta ra sức khai thác tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu thô, ra sức bơm tiền và các nguồn lực khác cho DNNN đầu tư vào những dự án lớn, bất chấp có làm nổi hoặc có hiệu quả kinh tế hay không, ra sức chào mời FDI vào với đủ thứ ưu đãi, bất chấp những dự án chỉ tập trung khai thác lao động giá rẻ, không kết nối với các DN trong nước, không chuyển giao công nghệ, thậm chí sử dụng công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường và gian lận, chuyển giá để trốn thuế.

Hệ quả của việc chạy theo tăng trưởng kiểu đó là tài nguyên nhanh chóng cạn kiệt trước khi các ngành chế biến hình thành, là các nguồn lực bị tiêu tán vào những dự án thua lỗ khủng, lợi chưa thấy đâu mà chỉ thấy gánh nợ tăng lên, là ta rơi vào “bẫy lao động giá rẻ” chính trong thời kỳ dân số vàng, là năng suất lao động cứ thua xa các nước ASEAN-4, là môi trường bị tàn phá nặng nề.

Mặt khác, nền kinh tế trở nên quá phụ thuộc vào ngoại lực với các động lực chính là FDI và xuất khẩu- trong đó 70% kim ngạch thuộc về khu vực FDI. Còn các khu vực kinh tế trong nước thì DNNN vẫn ngổn ngang bao vấn đề, DNTN bị chèn ép không lớn lên được, khu vực phi chính thức cứ nhỏ li ti mà vẫn chiếm tới hơn 30% GDP và lao động cả nước. Hơn 40 năm sau chiến tranh, hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta mới chỉ vượt qua được ngưỡng nghèo và trở thành nước thu nhập trung bình thấp, trong khi Hàn Quốc chỉ mất gần 30 năm để trở nên thịnh vượng và ngày nay đang đứng trong hàng ngũ các nền kinh tế giàu có, sáng tạo và cạnh tranh hàng đầu thế giới.

Trong một nền kinh tế thịnh vượng, vị trí của các doanh nghiệp được xác định như thế nào, thưa bà?

 

Bà Phạm Chi Lan: Ở nước nào cũng vậy, DN luôn luôn là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế-xã hội. Một nền kinh tế có trở nên thịnh vượng hay không, thịnh vượng sớm hay muộn, cũng tùy thuộc rất nhiều vào sự phát triển DN. DN phát triển như thế nào thì một phần do chính bản thân họ, và một phần quan trọng do thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh nơi họ hoạt động. Có câu nói rất nổi tiếng của ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, mà sau này ai cũng thừa nhận rất đúng, là ‘thể chế nào, doanh nghiệp nấy.

Khi nền kinh tế trở nên thịnh vượng, vị trí của DN không thay đổi, họ vẫn là lực lượng chủ chốt thúc đẩy phát triển lên mức cao hơn, làm cho nền kinh tế hiện đại hơn, cạnh tranh hơn, và mang lại cuộc sống giàu có, hạnh phúc hơn cho người dân nước họ. Trong thế giới toàn cầu hóa và công nghệ đua tranh phát triển ngày nay, các nền kinh tế thịnh vượng không thể dừng bước, DN của họ cũng vậy. Những đòi hỏi mới đối với DN thậm chí còn nhiều hơn, với biết bao chuẩn mực được nâng cao, bao tiêu chí mới được đặt ra, bao luật chơi, cách chơi thay đổi, bao quy trình, mạng lưới, chuỗi cung ứng cũ bị phá vỡ để thay bằng những cái mới.

DN luôn đứng trước thách thức không thể chỉ dựa vào những nhân tố đã tạo nên thành công của ngày hôm qua, mà phải tạo ra lợi thế cạnh tranh mới bằng ứng dụng hoặc sáng tạo công nghệ, nâng cấp hệ thống quản trị, bằng những sản phẩm, dịch vụ mới, những thị trường, đối tác, khách hàng mới, kết nối với những chuỗi mới, vươn ra xa hơn, cao hơn…Tốc độ thay đổi lại rất nhanh, quy mô thay đổi có thể rất rộng, chiều kích có thể rất sâu, thời cơ đến và đi rất lẹ, nên DN không được phép chần chừ, lưỡng lự trước yêu cầu đổi mới mang tính chất sống còn.

Với các quốc gia thịnh vượng, vai trò dẫn dắt của thể chế, của công nghệ được nâng lên tầm cao hơn chắc chắn là vô cùng cần thiết để đưa đất nước tiếp tục đi lên. Song để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mới, thì nhân vật trung tâm vẫn không phải ai khác ngoài DN. Ngay cả đầu tư để phát triển công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cũng phải dựa vào DN là chính.

Đâu là góc sáng về vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân?

 

Bà Phạm Chi Lan: Những năm đầu đổi mới, dù tuyên bố phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhưng trong tư duy, nhận thức của nhiều người, khu vực tư nhân vẫn bị nghi kỵ và kỳ thị nặng nề.

Nếu FDI được hoan nghênh ngay từ đầu, thể hiện qua việc ban hành Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài ngay từ năm 1987, thì tư nhân trong nước phải chờ tới 13 năm mới được cởi trói, trao quyền tự do kinh doanh bằng Luật Doanh nghiệp 1999. Ngay sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được thi hành, doanh nghiệp tư nhân trong nước đã bừng nở và chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Trong 5 năm đầu thi hành Luật, hơn 120.000 DNTN ra đời, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu người lao động, mở mang thêm nhiều ngành nghề sản xuất và dịch vụ, cung cấp thêm biết bao sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần quan trọng khôi phục sự tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực.

Trong quá trình này, tầng lớp doanh nhân Việt Nam cũng dần hình thành với vai trò, tiếng nói ngày càng có uy tín trong xã hội. Luật Doanh nghiệp 1999 thực sự đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong tư duy, nhận thức của nhiều nhà lãnh đạo và cả xã hội về vị trí của DN, doanh nhân.

Trong các nghị quyết của Đảng, cách nhìn nhận vai trò của khu vực tư nhân cũng thay đổi dần. Từ chỗ “là một trong những động lực của nền kinh tế”, đến “là động lực của nền kinh tế” và rồi nghị quyết của Trung ương Đảng ban hành năm 2017 đã xác định “khu vực tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Về phía Chính phủ, từ chỗ “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh” thường là mục tiêu thứ 2 (sau mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô), từ năm 2014 trở đi, một Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh đã được ban hành đều đặn hàng năm, với những quy định rất cụ thể và được thực hiện ngày càng riết róng hơn.

Chính sự phát triển liên tục, mạnh mẽ và những đóng góp ngày càng to lớn của khu vực tư nhân đã chứng minh vai trò của khu vực này và của DN, doanh nhân nói chung trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của nước nhà, đã tạo cơ sở cho những thay đổi trong tư duy, nhận thức, thể hiện trong các văn bản chính thức và trên thực tế ở nước ta về vai trò, vị trí của DN, doanh nhân.

 

Tuy nhiên, phải thừa nhận vẫn còn một khoảng cách không hề nhỏ giữa những lời hay ý đẹp trong các văn bản với thực tiễn thi hành. Vẫn còn đó những nghi ngại, kỳ thị, những sự hành hạ, nhũng nhiễu của vô số quan chức, công chức các cấp đối với DN, doanh nhân. Vẫn còn đó tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong thực thi các nghị quyết, chính sách, đặc biệt đối với phần lớn DNTN và DN nhỏ và vừa.

Doanh nhân Việt vì một nền kinh tế thịnh vượng 1
Doanh nhân Việt vẫn nỗi lực vượt qua thử thách và góp phần xây dựng nền kinh tế hùng cường

Vậy trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã cố gắng, nỗ lực thể hiện vai trò, vị trí của mình ra sao?

Bà Phạm Chi Lan: Các DN đã có những cố gắng không ngừng nghỉ. Mặc dù môi trường kinh doanh chưa thật thuận lợi, DN còn thiếu thốn nhiều bề và vẫn khó tiếp cận với các nguồn lực cần thiết, mặc dù bối cảnh thị trường liên tục biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt, hầu hết các DN, doanh nhân của chúng ta vẫn gắng sức vượt mọi khó khăn, bền bỉ theo đuổi con đường kinh doanh họ đã chọn.

Trên con đường đầy gian truân này, kể từ đầu thập niên 2010 tới nay, mỗi năm có tới 60-70 ngàn DN phải bỏ cuộc, nhưng lại có hơn trăm ngàn DN khác ra đời. Quy mô của 98% DN vẫn nhỏ hoặc rất nhỏ, nhưng chúng ta cũng đã có hàng vạn DN vươn lên đạt quy mô trung bình hoặc lớn và hàng vạn doanh nhân thực sự tài năng.

Mấy năm qua ở nước ta bắt đầu nổi lên một số DNTN có quy mô rất lớn. Ban đầu, họ chủ yếu xuất phát từ các DNNN được cổ phần hóa, hoặc từ kinh doanh bất động sản mà lên. Gần đây số DNTN quy mô lớn tham gia các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, công nghệ hiện đại đang tăng dần. Đóng góp và tác động của họ trong phát triển một số ngành và địa phương ngày càng rõ. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, đánh dấu sự trưởng thành của họ và tạo niềm hy vọng cho chúng ta về tương lai của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

 

Chính những cố gắng phi thường của đông đảo DN và sự nổi lên của các DNTN quy mô lớn này đã cùng nhau tạo sự thay đổi quan trọng trong vị trí của khu vực tư nhân ở nước ta. Ngày nay, khu vực DNTN trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư phát triển, trong tạo công ăn việc làm và trong tổng tài sản các ngành chế biến, chế tạo của nước nhà. Không hiếm những dự án DNTN trong nước làm giỏi hơn hẳn so với DNNN và ngang ngửa so với FDI cả về chất lượng và hiệu qủa. Thiện cảm đối với DN, doanh nhân ngày càng tăng trong xã hội, nghề kinh doanh ngày càng trở nên hấp dẫn đối với đông đảo người trẻ, và Việt Nam trở thành một nước được đánh giá cao về tinh thần kinh doanh và trào lưu khởi nghiệp (start-up) trong khu vực. Rõ rang DN, doanh nhân đã và đang làm thay đổi cả cấu trúc kinh tế và văn hóa, xã hội của nước nhà.

Để có được những thương hiệu trăm năm, liệu rằng trước hết chúng ta cần những gia tộc làm ăn tử tế, đàng hoàng?

Bà Phạm Chi Lan: Chắc chắn rồi, không tử tế đàng hoàng thì chẳng có gì tồn tại lâu dài được. Các gia tộc kinh doanh hay thương hiệu trên thế giới tồn tại được hàng trăm năm đều phải tuân thủ pháp luật, làm ăn minh bạch, có trách nhiệm, cạnh tranh lành mạnh và có đạo đức kinh doanh.

Có thể ở giai đoạn sơ khai ban đầu, trong quá trình tích luỹ tư bản, họ có một số hành vi chưa tốt, nhưng sau đó chính bản thân họ phải điều chỉnh, nhất là khi các chính phủ đưa ra những quy định, chính sách và công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh việc DN tước đoạt tài sản, cơ hội hoặc xâm phạm lợi ích của những người khác, hoặc gian dối, độc quyền, gây phương hại cho lợi ích xã hội.

Càng những năm sau này, khi các nền kinh tế phát triển tiên tiến hơn, có nhiều phương thức quản trị và hệ thống thông tin hữu hiệu hơn, xã hội văn minh và có tiếng nói lớn hơn, thì sự điều chỉnh càng mạnh mẽ, đòi hỏi các DN phải đạt những chuẩn mực cao hơn mới bảo vệ được thương hiệu của mình.

 

Các DN phát triển trên nền tảng gia đình cũng tự ý thức được điều đó. Muốn bền vững, trường tồn thì phải tồn tại bằng cạnh tranh lành mạnh, sống và kinh doanh đàng hoàng để vừa kiếm lời cho mình, vừa phục vụ xã hội. Từ ý thức phải đối xử tử tế với người lao động, người tiêu dùng, với cộng đồng xung quanh là những người giúp DN phát triển, nhiều chuẩn mực về trách nhiệm xã hội (CSR) hay đạo đức kinh doanh được hình thành. Đó là các quy ước mang tính tự giác của cộng đồng doanh nhân, họ xây dựng, thực hiện và giám sát lẫn nhau để cùng nhau tạo nền tảng cho phát triển lâu dài.

Khi không giữ được những giá trị về đạo đức kinh doanh và làm ăn tử tế thì DN rất dễ sụp đổ, không bảo vệ nổi những đế chế trăm năm. Sự sụp đổ của Enron, Lehman & Brothers (Mỹ) và một số tập đoàn khác trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 một phần là kết quả của những ham muốn quá đáng hoặc sự sai lầm, gian dối của người đứng đầu, hoặc hệ thống quản trị kém hiệu lực. Sự sụp đổ đó cũng là bài học cho các DN khác muốn hướng tới sự bền vững.

Thiếu đạo đức trong kinh doanh liệu có phải là một trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam?

Bà Phạm Chi Lan: Có nhiều yếu tố tác động đến sự thất bại của những DN chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn ở Việt Nam. Thiếu đạo đức kinh doanh cũng là một trong số đó. Có những DN làm những điều sai trái, gian dối, phi đạo đức nhưng cứ tưởng mình có thể che đậy những điều đó, mà không hiểu rằng không ai lừa được người tiêu dùng tới lần thứ 2, thứ 3 cả. Nếu ngày xưa ta nói “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, thì ngày nay tiếng đồn không chỉ rất xa mà còn rất nhanh nữa, nhất là tiếng xấu. Ai làm ăn thiếu đạo đức thì sớm muộn cũng sẽ bị thị trường tẩy chay, không thể còn đất sống.

Tuy nhiên tôi nghĩ lý do phổ biến hơn khiến các DN đổ vỡ nằm ở những khó khăn của thị trường và khả năng chống chịu của DN. DN ta phần lớn là nhỏ, trong đó vô số DN lại yếu nữa nên rất dễ bị tổn thương hay thậm chí ngã gục trước sóng gió thị trường. Chi phí kinh doanh ở nước ta nhìn chung là cao, cạnh tranh lại khốc liệt, nên các DN nhỏ và yếu thường khó làm ăn có lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận thấp thì khó tích lũy để phát triển, gặp lúc làm ăn chập chờn thì lợi nhuận không đủ để nuôi sống DN, và khi khó khăn kéo dài tất sẽ dẫn đến thua lỗ và sụp đổ.

 

Hơn nữa, muốn có những thương hiệu trăm năm cũng còn phụ thuộc vào tài năng kinh doanh của các thế hệ lãnh đạo và quản trị DN, chứ không phải chỉ đạo đức kinh doanh là đủ.

Để có được những thương hiệu trăm năm, chúng ta sẽ có những đòi hỏi như thế nào đối với chính sách vĩ mô, công tác quản trị doanh nghiệp cũng như với thế hệ kế tục và phát triển sự nghiệp?

Bà Phạm Chi Lan: Với chính sách vĩ mô, cần hai yếu tố đi cùng nhau là môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định, và cách thức phân bổ nguồn lực hợp lý. Chính sách vĩ mô không công bằng thì những DN tử tế, đàng hoàng sẽ khó sống được. Chính sách kém minh bạch, hay thay đổi thì DN không thể yên tâm, không biết đường nào mà làm ăn. Nguồn lực không được phân bổ hợp lý thì sẽ dẫn đến sự lãng phí, kém hiệu quả chung cho cả nền kinh tế, trong khi lại thiếu nguồn lực cho những DN có khả năng phát triển tốt.

Để có những đế chế, thương hiệu trăm năm, chính sách phải biết nuôi dưỡng, tôn vinh, tạo thuận lợi cho những DN thành công, kể cả ở quy mô lớn, vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN có nỗ lực liên tục và khả năng sáng tạo cao, có tầm nhìn và hệ thống quản trị vững vàng, đảm bảo khả năng phát triển bền vững.

Về quản trị DN, các DN cần áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, với những thông lệ tốt, những chuẩn mực và công cụ phổ biến trên thế giới hiện nay. Bộ công cụ quản trị DN (Corporate governance) của OECD đã được truyền đạt ở nước ta hàng chục năm nay, và hầu hết các DN Việt thành công đều ít nhiều áp dụng những nguyên tắc cơ bản của hệ thống quản trị đó.

 

Đương nhiên chúng ta có thể linh hoạt vận dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể và văn hóa của mình, nhưng cũng không thể vin vào “đặc thù” mà khước từ những chuẩn mực đã được thế giới thừa nhận và đã mang lại thành công cho các đế chế kinh doanh ở các nước.

Hơn nữa, nước ta đang hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt đang phát triển mạnh quan hệ hợp tác các mặt với những nước tiên tiến bậc nhất trên thế giới, nên nếu không theo những chuẩn mực quản trị chung, làm sao DN chúng ta có thể nói cùng ngôn ngữ, hành xử cùng cách thức và tạo niềm tin nơi các đối tác được.

Điều đáng mừng là ngày nay, chúng ta đã có lực lượng ngày càng đông đảo những nhà quản trị DN giỏi giang, hoặc qua thực tế vừa làm vừa học mà trưởng thành, hoặc qua đào tạo chính quy, chuyên nghiệp ở các nước tiến tiến. So với lứa những người làm quản trị DN thời đầu đổi mới, họ khác và hơn rất nhiều về tư duy, hiểu biết, kỹ năng hiện đại, về tính chuyên nghiệp, về khả năng học hỏi cái mới, kết nối với bên ngoài và thích ứng với sự thay đổi. Họ hoàn toàn có thể là những người kế tục xứng đáng và dẫn dắt sự nghiệp phát triển DN trong tương lai.

Tất nhiên, sự chuyển giao thế hệ trong DN là một quá trình, trong đó cần có sự kết hợp, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, trao quyền…, để những người kế thừa hiểu và phát huy những giá trị cốt lõi mà DN đã gây dựng, tích tụ được nhờ những người đi trước tận tụy, quả cảm, thông minh đã chèo lái con thuyền DN trong thời đầu đầy gian nan của họ. Và học suốt đời, đào tạo liên tục cho tất cả các tầng nấc quản trị và lao động trong DN cũng là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của mọi DN.

Đâu là những lưu ý cho doanh nghiệp khi chuyển tiếp từ quản trị thuận tiện sang quản trị khoa học?

 

Bà Phạm Chi Lan: Đó là một bước nhảy về quản trị DN, trước hết trong tư duy, năng lực và tính chuyên nghiệp của những người cầm trịch. Phải chấp nhận từ bỏ những thói quen trong hệ thống quản trị cũ, kể cả những thứ đã giúp mình thành công trong giai đoạn ban đầu, chấp nhận rủi ro khi tiến hành “cuộc cách mạng” trong quản trị DN để ứng dụng hệ thống quản trị khoa học thì DN mới có cơ hội vượt lên. Điều này đòi hỏi sự nhận biết, học hỏi, rèn luyện kỹ năng, tính chuyên nghiệp và thay đổi tư duy mạnh mẽ.

Khi đã nhận thức được, đã xác định được những chuẩn mực mới và quyết tâm chuyển đổi, DN sẽ tìm kiếm được những người ở bên trong hoặc bên ngoài DN có đủ năng lực tham gia vào hệ thống quản trị khoa học mới. Cần biết ai có năng lực, phẩm chất gì, phù hợp với vị trí nào để sắp đặt, và khi đã sắp đặt rồi thì cần tôn trọng và tạo điều kiện để người ta phát huy cao nhất năng lực.

Việc khó hơn là sắp xếp lại, thậm chí loại bỏ những nhân tố cũ đã trở thành thừa trong hệ thống mới, nhưng dù khó cũng phải làm. Cũng cần tránh việc sắp đặt lại rồi nhưng vẫn nghi ngại, nặng tình hoặc quá tự tin vào bản thân mình mà vương vấn những nhân tố cũ, kìm hãm những nhân tố mới, không dám chấp nhận những sáng kiến mới, bởi đó sẽ chỉ là sự thay đổi nửa vời, hệ thống quản trị khoa học sẽ không vận hành được, những người quản trị giỏi hoặc mong chờ sự đổi mới cũng sẽ ra đi.

Ở nước ta, phần lớn những DN gia đình đang quản trị theo kiểu thuận tiện. Chuyển sang quản trị khoa học đối với DN gia đình sẽ còn khó hơn, vì còn phải vượt qua những quan hệ tình cảm, những tập quán riêng có trong gia đình, những suy nghĩ hoặc lợi ích riêng tư của các thành viên…

Song cũng đã có một số DN gia đình rất thành công khi xây dựng hệ thống quản trị khoa học, đào tạo được từ trong hoặc mời được những nhà quản trị tài năng từ bên ngoài vào, trao cho họ những vị trí then chốt trong DN, ứng dụng được công nghệ mới, tạo nên một hệ thống làm việc khoa học, sống động và hiệu quả cao, nâng hẳn tầm vóc của DN và mang lại lợi ích cao hơn cho tất cả mọi người.

 

Điểm lại những gia tộc tiêu biểu, đâu là những điểm mạnh tiêu biểu cho những phẩm chất vàng cho doanh nghiệp Việt?

Bà Phạm Chi Lan: Trong số DN tôi quen biết, những DN như Gốm sứ Minh Long với sự dẫn dắt của ông Lý Ngọc Minh, Thép Việt của ông Đỗ Duy Thái, An Phước của bà Nguyễn Thị Điền… là điển hình tốt đẹp về DN gia đình phát triển theo hệ thống quản trị khoa học, hiện đại cả về công nghệ, phương thức kinh doanh, phát triển thị trường và khả năng cạnh tranh quốc tế. Đó cũng là những DN kinh doanh rất có trách nhiệm và rất nhân văn. Những DN này đang được chuyển giao sang thế hệ thứ hai, và tôi rất kỳ vọng đây sẽ những đế chế trăm năm.

Những người như ông Minh, ông Thái, bà Điền hội tụ những phẩm chất tốt đẹp cần có của doanh nhân. Đó là sự đam mê, tình yêu lớn với sản phẩm của mình, là ý chí kiên cường gắn bó với nghiệp kinh doanh bất chấp mọi gian nan vất vả, là tinh thần học hỏi, cải tiến không ngừng, là khát vọng vươn lên cao hơn, xa hơn.

Đó là sự nghiêm túc trong tuân thủ pháp luật, trong thực hiện các cam kết của DN, trong việc áp dụng các chuẩn mực về trách nhiệm xã hội, về văn hóa, đạo đức kinh doanh, trong việc tham gia đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Bằng tài năng, nhiệt huyết và đạo đức của bản thân, họ quy tụ được nhiều người giỏi về làm với mình, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp trong DN cũng như trong quan hệ với các đối tác, khách hàng và cộng đồng xã hội.

Họ cũng chú trọng đào tạo con cái từ rất sớm, vừa truyền tình yêu sự nghiệp cho các con, vừa cho đi học hành cẩn thận. Họ sẵn sàng chuyển giao sự nghiệp cho con khi con du học trở về, hướng dẫn con bắt đầu với các công việc bình thường để nắm được các khâu thực tế trong vận hành DN trước khi bước vào hệ thống quản trị. Họ cũng sẵn sàng cho con tự thử sức, sáng tạo các dòng sản phẩm mới hay áp dụng các sáng kiến mới trong hoạt động của DN.

 

Xin cảm ơn bà!

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm