Đồng bằng sông Cửu Long: Gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ trong 3 tháng
DNVN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ cho thấy, chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 6 - 8/2021, có gần 10.000 doanh nghiệp (DN) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải rời khỏi thị trường. Doanh thu của hầu hết các DN trong quý 2/2021 đều giảm sút 40 - 50%.
Trong bão dịch các nhà máy gỗ MDF (VRG) vẫn kinh doanh hiệu quả / Quản trị Minh bạch - Nền tảng của Kinh doanh liêm chính
Tại buổi đối thoại doanh nghiệp "Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn COVID-19" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng VCCI chi nhánh tại Cần Thơ và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức sáng 31/8, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ đã nêu một loạt khó khăn mà cộng đồng DN khu vực ĐBSCL gặp phải do tác động của dịch bệnh.
"Đóng băng" sản xuất kinh doanh
Theo ông Lam, kể từ khi COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 4, toàn bộ 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã phải "đóng băng" hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dẫn số liệu thống kê ban đầu của VCCI Cần Thơ, ông Lam cho hay, chỉ trong 3 tháng (từ tháng 6 – 8/2021), gần 10.000 DN tại ĐBSCL phải rời khỏi thị trường. Trong 6 tháng đầu năm nay, con số này chỉ trên 6.000 DN, còn những DN tạm ngưng hoạt động gần như 90%.
Ảnh minh họa.
Kết quả khảo sát của VCCI Cần Thơ cho thấy, doanh thu của hầu hết các DN ĐBSCL trong quý 2/2021 đều giảm sút 40 - 50%, chỉ một nửa lượng DN đáp ứng được kế hoạch kinh doanh sản xuất với 50% công suất.
Theo ông Lam, ngành chủ lực của ĐBSCL là chế biến nông sản và thủy sản. Do phải áp dụng Chỉ thị 16 nên bà con không thể thu hoạch được sản phẩm. Không thu hoạch được đồng nghĩa với việc nông dân chịu tổn thất lớn. Nếu có thu hoạch được trong giai đoạn này thì cũng không có nơi bảo quản, lưu trữ.
"Nếu việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến người dân và DN. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sắp tới nguồn nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất không còn? Hiện các hộ nông dân, HTX, trang trại hầu như đã đóng băng, không tái sản xuất được. Nguy cơ xảy ra tình trạng khủng hoảng lương thực nếu dịch bệnh kéo dài", ông Lam bày tỏ.
Mỗi tỉnh ra một chỉ đạo khác nhau
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến bức tranh DN ĐBSCL. Trong khi đó, chưa có sự phối hợp tốt giữa các địa phương với nhau, quy định giữa các địa phương bị chồng chéo. 13 tỉnh, thành ĐBSCL với 13 chỉ đạo, chính sách, quy định khác nhau. Trong khi đó, quá trình sản xuất phải lưu thông từ cánh đồng đến nhà máy và thị trường. DN ĐBSCL than phiền người lao động (NLĐ) ngành sản xuất chưa được ưu tiên tiêm vaccine. Một số tỉnh làm tốt nhưng một số làm chưa tốt, chưa chú trọng.
Về mô hình "3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến", các DN đều đánh giá không khả thi trong thời gian dài và trong thời gian tới vì tốn kém chi phí và không an toàn cho DN.
Những chính sách của Nhà nước chưa được ban hành kịp thời, trong đó chính sách hỗ trợ về tài chính, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều DN đóng cửa nhưng vẫn lo lắng nếu không được hỗ trợ thì sẽ phá sản trong tầm tay.
Thêm vào đó, những chính sách hỗ trợ cho DN và NLĐ hiện còn nhiều bất cập. Chính sách, quy định đã có nhưng công tác triển khai tại địa phương chưa đồng nhất. Những vấn đề về giao thông và logistics chưa được ưu tiên để tạo hoạt động thông suốt trong vận chuyển và phát triển kinh tế.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ dẫn kết quả khảo sát cho hay, DN đánh giá các nguồn lực khác như đất đai, tiếp cận thông tin, chính sách mới nhìn chung không mấy lạc quan. Đặc biệt DN cho rằng quý III chưa thể tiếp cận chính sách mới hỗ trợ khó khăn phát sinh do dịch bệnh. Cụ thể, 45% DN cho rằng sẽ không có gì thay đổi. 25% cho biết tình hình được hưởng chính sách mới sẽ không mấy lạc quan. Chỉ có gần 20% DN tin sẽ nhận được chính sách mới trong bối cảnh nỗ lực rất lớn từ rất nhiều bên như cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội.
Theo đó, những chính sách được DN quan tâm hàng đầu trong quý III/2021 là giãn và hoãn thuế; giảm lãi suất ngân hàng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chính sách liên quan phí, lệ phí sử dụng hạ tầng cảng, kho bãi, phí liên quan vận tải.
Cần sự thống nhất giữa các địa phương
Với những khó khăn hiện nay, cộng đồng DN ĐBSCL kiến nghị chính quyền các địa phương cần phải có những hướng dẫn thống nhất theo quy định của Chính phủ để tránh gây tổn thất về thời gian và chi phí phát sinh vì dịch bệnh. Ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ tham gia sản xuất "3 tại chỗ" để bảo đảm sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo tâm lý an tâm cho NLĐ.
Với "3 tại chỗ", các DN khu vực này kiến nghị nên xem xét lại mô hình này, đưa ra mô hình hoặc chính sách phù hợp hơn. Phân loại NLĐ trong ngành khác nhau có khung giờ khác nhau.
Với Ngân hàng Nhà nước, DN đề nghị cần có những hành động cụ thể trong thời gian dịch bệnh để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn . Theo đó, cần tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay; miễn giảm lãi vốn vay; tạm thời khoanh nợ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh tốc độ triển khai chính sách hỗ trợ cho DN và NLĐ chịu ảnh hưởng do COVID-19 trên từng địa phương.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo