Doanh nghiệp - Doanh nhân

Gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19

Khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng… là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện.

Mạng lưới nữ lãnh đạo toàn cầu gắn kết và lan tỏa sức Xuân / Doanh nghiệp “chạy đua” tuyển dụng đầu năm

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2021 (VBF 2021) diễn ra vào sáng nay (21/2), báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết qua khảo sát cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng…

"Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 chỉ đạt gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7%; và có tới 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020", bà Trần Thị Lan Anh - VCCI thông tin.

Gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19 - Ảnh 1.

VCCI đề xuất cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại

Theo VCCI, tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ là một trong những giải pháp quan trong giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.

"Cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ", VCCI khuyến nghị.

Ngoài tiếp cận nguồn vốn, VCCI còn đưa ra hàng loạt khuyến nghị khác: Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia; Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm; Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA…

Sàng lọc doanh nghiệp yếu kém qua thị trường vốn

 

Trong khi đó ông Dominic Scriven - Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF nhấn mạnh tầm quan trọng của của phát triển thị trường vốn với sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo ông Dominic Scriven, thị trường vốn của Việt Nam đã có sự phát triển và thành công vượt bậc khi hiện tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán của Việt Nam khoảng 7,75 triệu tỷ, chiếm 95,6% GDP, vượt mục tiêu đặt ra cho Việt Nam vào năm 2025.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới", ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF cho rằng thị trường vốn là nguồn tài chính chủ lực cho sự phát triển của các công ty trong khối kinh tế tư nhân. Tại đây, các công ty có thể tiếp cận các đối tác chiến lược thông qua các giao dịch trên thị trường vốn. Đồng thời tìm ra mức định giá phù hợp cho doanh nghiệp của mình, bao gồm cả việc nâng cao vị thế thương mại.

"Thị trường vốn là một kênh sàng lọc – nơi chúng ta có thể "đãi cát tìm vàng" để tìm ra các doanh nghiệp tốt và loại bỏ đi các doanh nghiệp yếu kém", Dominic Scriven cho biết.

 

Gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Dominic Scriven - Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF cho rằng cần phát triển thị trường vốn để sàng lọc doanh nghiệp yếu kém

Để phát triển thị trường vốn, ông Dominic Scriven cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư.

"Điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam chúng ta, hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân", ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

Cũng theo Dominic Scriven, thị trường vốn của Việt Nam hiện nay còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân.

"Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác", ông Dominic Scriven đề xuất.

 

Đảm bảo tính di động

Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc cho rằng một trong những yếu tố quan trọng của sự phục hồi là việc mở lại biên giới cùng với một bộ các quy tắc và quy định nhập cảnh quốc gia.

"Điều này cho phép các doanh nhân và khách du lịch quay trở lại một cách an toàn, một lần nữa đảm bảo rằng lợi thế cạnh tranh không bị từ chối và nhường lại cho các đối thủ trong khu vực", Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc đề xuất.

Gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19 - Ảnh 3.

VBF 2021 có chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”

Cùng quan điểm, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) nhấn mạnh an toàn là ưu tiên hàng đầu, nhưng hiệp hội này đề xuất các thủ tục hợp lý được xử lý nhanh gọn hơn cho: Giám đốc điều hành, nhà đầu tư mới và nhóm hỗ trợ kỹ thuật để duy trì hoạt động và tạo điều kiện mở rộng và đầu tư mới.

 

"Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa lại biên giới cho khách du lịch nước ngoài vào cuối tháng 3 hoặc sau đó càng sớm càng tốt và công bố lộ trình mở cửa hoàn toàn ngành du lịch", đại diện AmCham cho biết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm