Giám đốc Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền: Ước mơ xuất khẩu trái cây Việt
Điểm yếu lớn nhất của tỷ phú Bill Gates là gì? / Những điều ít biết về tỷ phú USD giàu thứ 4 Việt Nam
Bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân
Năm 2013, khi mang thai bé gái đầu lòng, Huyền thèm ăn trái cây nhưng không dám mua ngoài chợ vì sợ chất bảo quản ảnh hưởng đến em bé. Tuy lúc đó trái cây nhập khẩu khá đắt nhưng Huyền vẫn chấp nhận đặt hàng trực tiếp để được dùng sản phẩm đảm bảo an toàn. Điều khác biệt đầu tiên Huyền cảm nhận được là trái cây trong thùng có chất lượng như nhau, người bán không trộn lẫn trái dở với trái ngon.
Thấy sản phẩm tốt và an toàn, Huyền chia sẻ thông tin trên Facebook cá nhân và khuyên các bà mẹ bỉm sữa nên dùng trái cây "sạch" trong thời kỳ mang thai và nuôi em bé, vì theo Huyền, thời gian cho con bú, mẹ ăn gì là bé ăn đó. Không ngờ mỗi ngày Huyền nhận cả trăm lượt "like" cùng những lời hỏi thăm của các bà mẹ bỉm sữa. Huyền bắt đầu nhập khẩu trái cây với số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu làm quà tặng cho bố mẹ, bạn bè của khách hàng và nhu cầu ăn trái cây ngon, "sạch" của hàng trăm bà mẹ khác.
Mới đầu là nhập vài thùng về bán cho bạn bè, sau đó Huyền quyết định mở công ty. Cô lý giải: "Dù lượng khách hàng tiềm năng ban đầu chỉ chiếm khoảng 2% dân số cả nước, nhưng đây là những người không ngại chi nhiều tiền để lo cho sức khỏe và xu hướng dùng trái cây "sạch" sẽ còn nhiều dư địa phát triển".
Bắt đầu kinh doanh, Huyền xác định muốn đi đường dài, làm ăn bền vững thì phải tạo dựng được uy tín, sự khác biệt ngay từ khi có mặt trên thị trường. Và Huyền chọn kinh doanh trái cây "sạch". "Mục tiêu ban đầu của tôi chưa nhắm đến lợi nhuận mà muốn tạo ra xu hướng sử dụng trái cây "sạch" để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Thời điểm đó, kinh doanh trái cây rất có lãi nhưng nếu mua trái cây ngoài chợ hoặc mua lại của các công ty khác để kinh doanh kiếm lời thì tôi sẽ không xây đựng được thương hiệu riêng, không đảm bảo được chất lượng sản phẩm, nhưng nếu tự nhập khẩu trái cây về phân phối cũng vô cùng khó”, Huyền giải thích.
Thêm nữa, muốn có giá nhập khẩu tốt thì phải mua số lượng nhiều. Mà nhập nhiều thì không có vốn nên phải chấp nhận mua giá cao, lãi ít. Tuy nhiên, Huyền nhập về bao nhiêu lô trái cây là bán hết bấy nhiêu vì các bà mẹ bỉm sữa đều đặt hàng trước. Huyền đã đầu tư kho lạnh có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với mỗi loại trái cây để trữ tất cả trái cây nhập về nên chất lượng luôn được đảm bảo.
Ví dụ như táo bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ từ -20C đến 20C và được vận chuyển bằng đường hàng không, chỉ sau 72 tiếng là về đến Việt Nam nên không dùng chất bảo quản và cũng không phải lưu kho cả 5, 6 tháng trời như vận chuyển bằng đường biển nên giữ được độ tươi ngon.
Kiên trì xây dựng thương hiệu
Nhất quán về chất lượng và chờ đợi sự trải nghiệm của người dùng, đó là chiến lược kinh doanh của Huyền. Để mua được các loại trái cây đặc sản, Huyền đã phải lặn lội đến các trang trại, hiệp hội nông nghiệp của các nước để tìm hiểu, học hỏi giải pháp giữ trái cây tươi ngon mà không cần dùng đến chất bảo quản.
Hiện Mia Fruit có khoảng 90.000 khách hàng và gần 50% trong số đó là khách hàng trung thành. Ngoài khách hàng ở trong Nam, Huyền đang lên kế hoạch chinh phục giới khá giả tại Đà Nẵng, Hà Nội.
Song, khi Mia Fruit xây dựng được thương hiệu cũng là lúc thị trường trái cây nhập khẩu bắt đầu cạnh tranh, đòi hỏi cô chủ trẻ 9X phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Huyền kể: "Lúc đầu tôi chỉ tập trung nhập khẩu các loại quả như cam, táo, nho, kiwi..., sau khi thấy nhiều công ty cũng nhập các loại trái cây này, tôi phải thay đổi chiến lược, nghiên cứu thị trường trái cây các nước để tìm nhập một số loại trái cây đặc biệt, thuộc hàng hiếm, đặc sản của mỗi quốc gia, như nho mẫu đơn của Nhật có vị như trái xoài, mùi thơm như hoa, một chùm khoảng gần 1kg có giá 100USD, hay sầu riêng và thanh long vàng Malaysia, táo mật của Nhật...".
Ngoài tìm kiếm sản phẩm khác biệt, Huyền chỉ chọn nhập các loại trái cây có kích thước to nhất và đánh vào phân khúc cao cấp. Hơn nữa, Huyền đưa ra chính sách đổi, trả hàng miễn phí trong 24 giờ nếu khách không hài lòng với trái cây mua về. Đồng thời, để tránh tình trạng tồn kho, đội ngũ bán hàng của Công ty đã lên kế hoạch và chương trình tiếp thị, khuyến mãi cả tháng trời cho các hệ thống phân phối sỉ, lẻ trước khi nhập hàng.
Mỗi lần ra nước ngoài Huyền thường mang theo vài quả xoài, chuối, dừa hay chôm chôm Việt Nam được tuyển chọn từ những nhà vườn đạt chuẩn GlobalGap để mời đối tác dùng thử.
Huyền nói: "Việt Nam có rất nhiều loại trái cây ngon nhưng cách trồng trọt của mình chưa tạo được sự tin tưởng với thị trường nước ngoài nên đây là cách tôi tiếp thị trái cây Việt Nam, tiến tới thực hiện ước mơ xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt chuẩn sang các thị trường từng cung cấp trái cây cho mình nhập khẩu và xây dựng một sàn giao dịch trái cây quốc tế trực tuyến".
Từ phương châm "đi xa để học hỏi và mang về”, Huyền đã ấp ủ tham vọng khác, đó là kinh doanh quà tặng từ trái cây. "Làm ăn với đối tác Nhật, thấy văn hóa tặng quà của họ rất hay. Mỗi khi đi thăm bố mẹ, bạn bè, đối tác, bao giờ họ cũng mang theo một món quà tặng để thể hiện sự tôn trọng và tôi muốn đem văn hóa đó về Việt Nam, áp dụng vào mô hình kinh doanh trái cây.
Bởi trái cây là món quà bồi bổ sức khỏe, ai cũng có thể sử dụng, hơn thế còn lịch sự, sang trọng và đang trở thành một xu hướng tiêu dùng. Tín hiệu ban đầu rất khả quan khi đã có rất nhiều khách hàng là công ty đặt hàng Mia Fruit những giỏ quà tặng trái cây có giá từ 800.000-1.000.000 đồng", Huyền tiết lộ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo