Doanh nghiệp - Doanh nhân

Kịch tính Eximbank: Cơ hội chấm dứt "chuỗi đại hội cổ đông bất thành" tại đại hội bất thường sắp tới?

DNVN - Liên tiếp 2 đại hội bất thành ngày 26 – 27/4/2021, Eximbank tiếp tục là ngân hàng duy nhất từ năm 2019 đến nay chưa tổ chức được ĐHĐC sau 11 lần dời, hoãn tổ chức bất thành. Đâu là cơ hội chấm dứt “chuỗi đại hội bất thành” của EIB?

Eximbank: Những “kỷ lục bom tấn” trước đại hội cổ đông / Đại hội cổ đông lần 3 bất thành, cổ đông lớn của Eximbank đòi bãi nhiệm hàng loạt thành viên Hội đồng quản trị

Liên tục hai đại hội bất thành!..

Ngày 27/4, EIB tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021. Đến 9h31, chỉ có 61 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 512.000 cổ phần, tương đương 41,65% vốn điều lệ EIB.

Theo quy định, ĐHĐCĐ thường niên lần thứ nhất phải đạt tối thiểu 65% cổ đông tham dự, nên đại hội đã bất thành.

Trước đó, ngày 26/4, EIB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần thứ 3, cũng bất thành, nhưng với diễn biến trái ngược. Do tổ chức lần thứ 3 nên đại hội này không còn phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông tham dự và có quyền quyết định tất cả các vấn đề mà ĐHĐCĐ lần thứ nhất có thể phê chuẩn.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ cổ đông tham dự không còn ý nghĩa, thì lạ kỳ, tỷ lệ cổ đông tham dự “tăng chạm trần”, tính từ năm 2019 tới nay: 94,51%. Rõ ràng, các nhóm cổ đông chiếm đa số đã không phó mặc cho nhóm cổ đông thiểu số dẫn dắt đại hội.

Kết quả, theo đúng quy định được pháp luật bảo vệ, nhóm cổ đông đa số đã biểu quyết không đồng ý thông qua quy chế họp đại hội với tỷ lệ gần 55%. ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 lại bất thành theo ý chí của họ.

Eximbank không thể tổ chức đại hội cổ đông do số đăng ký dự họp chưa đủ theo quy định

Eximbank đã 11 lần không thể tổ chức thành công đại hội cổ đông.

Chỉ có thể giải thích, mục tiêu tổ chức ĐHĐCĐ vì quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông và sự ổn định, phát triển EIB của HĐQT đương nhiệm đã không thuyết phục được đa số cổ đông.

Với lợi thế đa số của nhóm cổ đông này, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 được tổ chức lần đầu, ngày hôm sau (27/4), theo qui định phải đạt tỷ lệ tham dự tối thiểu 65%, đã thất bại khi hơn 58% tỷ lệ cổ đông không tham dự.

Cho dù Phó Chánh Thanh tra, giám sát Trần Đăng Phi đẫ trực tiếp tham gia và giám sát với tư cách đại diện Ngân hàng Nhà nước tại 2 đại hội.

Cơ hội thành công có ở đại hội thứ ba?

Từ năm 2019 đến nay, EIB đã 11 lần thông báo tổ chức đại hội, trong đó có 6 lần bất thành kể cả đại hội thường niên lẫn bất thường. Nhìn lại diễn biến, thấy rõ một điều, cổ đông gần như chia thành hai phe nhóm đối lập nhau.

Nhóm chiếm cổ phần thiểu số lại chiếm ưu thế đa số trong HĐQT. Ngược lại, nhóm chiếm tỷ lệ cổ phần đa số lại có số ít thành viên trong HĐQT.

Sự trái ngược và không tương thích này chính là nguyên nhân dẫn đến “cuộc chiến quyền lực” trong HĐQT kéo dài và ngày càng quyết liệt.

Ngân hàng Nhà nước đã có Kết luận Thanh tra số 4661/KL-TTGSNH2 ngày 18/12/2020, thanh tra thời kỳ từ 1/1/2017 đến 30/9/2019, chỉ rõ tình trạng mâu thuẫn, chia rẽ, mất đoàn kết ngay trong HĐQT, tạo hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng Nhà nước, tiềm ẩn rủi ro pháp lý trong hoạt động của EIB; ra án phạt cùng một lúc 6/9 thành viên HĐQT về hành vi xâm phạm quyền của cổ đông, “tổ chức và không tổ chức ĐHĐCĐ theo đúng quy định của pháp luật”. Sau thanh tra, EIB vẫn tiếp tục mất ổn định và tiềm ẩn rủi ro đến tận hôm nay.

Nhóm cổ đông có cổ phần yếu thế tiếp tục dùng lợi thế số đông trong HĐQT để duy trì quyền lực. Nhóm cổ đông chiếm trên 50% vốn điều lệ, trong đó có cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thì không chấp nhận, kiên trì đòi thay đổi qui mô, cơ cấu, thanh lọc HĐQT.

“Lô cốt” của cuộc chiến, đương nhiên là các ĐHĐCĐ. Kết cục là các ĐHĐCĐ thường niên và bất thường đều diễn ra trong tình trạng bất thường với các “kịch bản” lặp đi lặp lại trong sự toan tính của bên tổ chức và sự phản kháng của bên tham gia.

EIB vì thế liên tục gây bất ngờ, có lúc đến kinh ngạc, trước mỗi kỳ đại hội. Kết cục là từ năm 2019 đến nay, EIB trở thành ngân hàng duy nhất chưa tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên, không có Tổng giám đốc và Người đại diện theo pháp luật...

Nhóm cổ đông dù chiếm cổ phần ít hơn nhưng với lợi thế số đông trong HĐQTvẫn có thể trì hoãn, tổ chức hoặc không tổ chức ĐHĐCĐ theo quy định.

“Vũ khí” của nhóm cổ đông đa số, không gì khác, là dùng quyền cổ đông để không thông qua qui chế đại hội (2 lần) hoặc không tham dự để đại hội cổ đông không đủ tỷ lệ cần thiết (4 lần).

Đến lần ĐHCĐ thường niên 2021 sáng 27/4, “kịch bản” hầu như lặp lại; đồng thời, chứng minh cho nhóm đối lập một chân lý: “Nơm nhỏ không thể úp được cá to”.

Kịch tính cao ngất khi trước đại hội kỳ này, 8/9 thành viên HĐQT bị 2 nhóm cổ đông đòi bãi nhiệm, trong khi cổ đông chiến lược SMBC vẫn kiên trì kiến nghị thanh lọc HĐQT, bỏ phiếu tín nhiệm từng thành viên.

HĐQT đương nhiệm không những mất niềm tin mà đang đánh mất tính chính danh của mình trước đa số cổ đông.

Trong khi đó, danh sách 4 thành viên được NHNN phê chuẩn để đại hội bầu HĐQT nhiệm kỳ mới (2020 – 2025) cũng bị đa số cổ đông bất tín nhiệm.

Theo đó, vào giữa cuộc họp ngày 26/4, NHNN mới có văn bản chuẩn y danh sách bầu cử 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2021, gồm: bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo. Trong đó có 3 người đều liên quan đến Tập đoàn Huyndai Thành Công và nhóm cổ đông cổ phần thiểu số. Bà Hồng Anh còn được biết đến là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Huyndai Thành Công. Thành viên còn lại là đại diện của SMBC.

Nhóm cổ đông chiếm đa số đã phản đối, gồm cả SMBC, bằng cách không tham dự đại hội. Danh sách phê chuẩn của NHNN đã chưa thuyết phục được đa số cổ đông, kể cả cổ đông có 1 đại diện được đề cử như SMBC.

Để đảm bảo sự đồng thuận của các nhóm cử tri EIB hiện nay, thực tiễn qua các đại hội bất thành cho thấy, vấn đề cốt lõi chính là sự chính danh của HĐQT.

Theo Điều lệ EIB, mỗi nhóm cổ đông có 10% vốn điều lệ EIB có quyền đề cử 1 người đại diện vào HĐQT. Nhiều cổ đông cho rằng, đây là giải pháp cơ bản nhất cho danh sách đề cử thành viên HĐQT đại diện cho quyền lợi của tất cả các cổ đông. Từ danh sách đó, tại đại hội, cổ đông sẽ quyết định lựa chọn ai là người xứng đáng cho HĐQT nhiệm kỳ mới.

Sau hai đại hội thất bại, phía trước EIB vẫn còn 1 đại hội bất thường chưa định ngày nhưng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 14/5/2021.

Với cách nhìn tích cực trước thực trạng tiêu cực, hy vọng, cơ hội giải quyết “chuỗi đại hội bất thành” gần 3 năm qua của EIB sẽ xuất hiện tại đại hội cổ đông bất thường sắp tới.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm