Nữ đại gia bí ẩn tại Vinasun đã “bốc hơi” hơn 8% tài sản
8 kỹ năng giúp lãnh đạo giỏi thành phụ huynh tốt / Doanh nhân trẻ Phùng Anh Tuấn và câu chuyện khởi nghiệp thành công với nghề... cầm đồ
Trong phiên giao dịch hôm qua (8/1), cổ phiếu VNS tiếp tục giảm thêm 2,3% xuống còn 16.800 đồng, thanh khoản rất thấp với chỉ 560 nghìn cổ phiếu được giao dịch. Mã này đã có chuỗi 6 phiên liền không tăng giá.
Theo công bố mới đây của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), doanh nghiệp này đã xuất hiện thêm 1 cổ đông lớn là bà Nguyễn Kim Phượng.
VNS mất giá đã khiến giá trị tài sản của các cổ đông lớn tại Vinasun sụt mạnh
Cụ thể, bà Nguyễn Kim Phượng vốn nắm giữ hơn 3,34 triệu cổ phiếu VNS, chiếm 4,92% vốn điều lệ. Đến ngày 11/10/2018 thì nữ đại gia này đã mua thêm 54.460 cổ phiếu VNS và qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinasun lên 3,39 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 5,006% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn của hãng taxi này.
Dữ liệu giao dịch của cổ phiếu VNS trên sàn HSX cho thấy, trong khoảng thời gian kể từ lúc bà Phượng trở thành đại cổ đông của Vinasun đến nay, VNS đã giảm tới 8,17% giá trị, đồng nghĩa với việc giá trị tài sản trên sàn của nữ cổ đông này cũng giảm tương ứng.
Tại Vinasun, ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT của hãng taxi này đang là cổ đông lớn nhất của công ty với sở hữu gần 25%. Cộng với số cổ phần của người trong gia đình, ông Thành đang nắm giữ tổng cộng 32,9% vốn điều lệ Vinasun.
Các cổ đông lớn còn lại của Vinasun là quỹ Tael Two Partners (18,3%), Công ty Chứng khoán TPHCM - HSC (10,6%), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Satra (7,9%)
Phiên giao dịch này, toàn thị trường chứng kiến có 285 mã giảm giá, 30 mã giảm sàn so với 263 mã tăng và 34 mã tăng trần.
Chỉ số VN-Index theo đó mất 2,2 điểm tương ứng 0,25% còn 887,44 điểm còn HNX-Index giảm 0,66 điểm tương ứng 0,65% còn 101,27 điểm.
GAS trở thành mã có tác động tích cực nhất đối với thị trường khi tăng giá 2.000 đồng lên 88.300 đồng/cổ phiếu và đóng góp 1,18 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, VCB, MSN, BHN, YEG… cũng tăng giá.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, NVL vẫn tiếp tục giảm sàn, lấy đi của VN-Index hơn 1,2 điểm. VNM, PLX, HPG, BID, CTG… giảm giá và ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung.
CTG là mã bị khối nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất trong phiên với giá trị bán ròng gần 59 tỷ đồng. Kế đến là NVL bị bán ròng 25,7 tỷ đồng, HPG bị bán ròng 21,5 tỷ đồng. Còn GAS được mua ròng hơn 26 tỷ đồng, VCB và PVD được mua ròng lần lượt 17 tỷ đồng và 15,3 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì thấp. Chỉ có 112,82 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 2.688,66 tỷ đồng được giải ngân và 23,06 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng giá trị giao dịch đạt 270,72 tỷ đồng. Đồng thời, cũng có 846 mã không hề xảy ra giao dịch trên toàn thị trường.
Theo đánh giá của BVSC, độ rộng thị trường không tốt khi số mã giảm điểm chiếm ưu thế. Tương quan cung cầu trên thị trường đang ở vào trạng thái cân bằng sau giai đoạn biến động mạnh. Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang có sự thận trọng và hạn chế giao dịch trước biến động không rõ ràng về mặt xu hướng của thị trường.
Công ty này nhận định, thị trường đang có dấu hiệu bước vào nhịp biến động tích lũy sau khi hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ 855-865 điểm.
Hiện tại, hệ thống chỉ báo của BVSC cho thấy thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. Vùng biến động của thị trường được giới hạn bởi ngưỡng chặn dưới là 868-974 điểm và ngưỡng chặn trên là 904-908 điểm trong một vài phiên tới.
Tỷ trọng danh mục tổng được khuyến nghị nên khống chế ở mức 15-25% cổ phiếu trong giai đoạn này. Với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, có thể thực hiện mua trading với tỷ trọng thấp, ưu tiên hàng có sẵn trong các phiên sụt giảm mạnh của thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo