Doanh nghiệp - Doanh nhân

Phát triển du lịch đêm: Cần xóa bỏ các định kiến về phát sinh tiêu cực của kinh tế đêm

DNVN - Tại Hội thảo Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 16/4/2021, các ý kiến thảo luận đã đề xuất cần phát triển lĩnh vực kinh tế đêm, bao gồm các dịch vụ, vui chơi giải trí từ 18h đến 6h sáng hôm sau để kích cầu du lịch.

Tháo gỡ "nút thắt" thủ tục hành chính cho doanh nghiệp Hàn Quốc / Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt nhiều kết quả thực chất

Đến năm 2030 sẽ hình thành các tổ hợp giải trí đêm tại 10 thành phố

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm hướng tới hai mục tiêu chính là thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Theo Dự thảo Đề án, mục tiêu là xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đêm đa dạng, đặc sắc, đồng bộ, có chất lượng trên cơ sở tận dụng thời gian, không gian ban đêm, phát huy lợi thế của các dịch vụ ban đêm để góp phần thay đổi cơ cấu chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách nội địa và quốc tế du lịch Việt Nam.

Cụ thể đến năm 2025: Hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm đô thị lớn đông khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh; Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; Thu hút sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam; Tăng chi tiêu bình quân của khách du lịch 5-6%; Tăng tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch dành cho sản phẩm du lịch đêm trong cơ cấu chi tiêu của khách 30%; Tăng tỷ lệ chi tiêu ngoài chương trình du lịch trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thêm 5-6%; Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch thêm 1/2 ngày.

Đến năm 2030: Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc; Phát triển đồng bộ hệ thống sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch lớn của đất nước; Hình thành thương hiệu du lịch đêm của Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành đã trình bày báo cáo xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam.

Theo Đề án, Chính phủ cho phép thí điểm phát triển kinh tế đêm tại 10 địa phương có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hội An, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng một số tổ hợp giải trí ban đêm tại TP.Hồ Chí Minh

Đề án đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó, trước hết là giảm dần và tiến tới xóa bỏ định kiến về những ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh của kinh tế ban đêm, định kiến về các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm. Nhìn nhận đầy đủ, song không e ngại quá mức vào rủi ro bất ổn an ninh trật tự để bỏ qua các cơ hội phát triển kinh tế ban đêm. Nếu được quản lý tốt, kinh tế ban đêm sẽ có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới...

Tại Hội thảo Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 16/4/2021. Nguồn ảnh: Tổng cục Du lịch Tại Hội thảo Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 16/4/2021. Nguồn ảnh: Tổng cục Du lịch

Tại Hội thảo Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 16/4/2021. Nguồn ảnh: Tổng cục Du lịch.

Sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, chưa đặc sắc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, nhằm triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đồng thời gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch.

Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu từ các địa phương và dự thảo đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam. Trước mắt đề án sẽ tập trung xây dựng một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn một số trung tâm du lịch, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến từ các thị trường mục tiêu.

Cùng với các hoạt động du lịch ban ngày, các hoạt động du lịch ban đêm và sản phẩm du lịch đêm ở nước ta trở nên khá sôi động từ nhiều năm nay tại một số đô thị và trung tâm du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế. Các loại hình, sản phẩm du lịch đêm diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, quán bar, cafe, rạp chiếu phim, vũ trường, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố... vào ban đêm.

Mặc dù có được những kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam còn tương đối đơn điệu, nghèo nàn, thiếu tính đặc sắc, chưa phát triển như mong muốn do các quy định bất cập về thời gian hoạt động của các dịch vụ vui chơi giải trí đêm, thiếu quy hoạch không gian riêng cho sản phẩm du lịch đêm, thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm, nhận thức tư duy về phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết thêm: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đẩy ngành du lịch rơi vào khủng hoảng trầm trọng với mức thiệt hại rất lớn, khiến nhiều công ty, hàng không, khách sạn rơi vào tình trạng lao đao, phá sản, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục bị gián đoạn và dự kiến phải đến 2023 mới trở lại bình thường (theo IATA), ngành Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Phát triển sản phẩm du lịch đêm là một giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam, thúc đẩy khả năng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, góp phần “cứu cánh’’ cho ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Quảng Nam kiến nghị mở tuyến bay quốc tế đến sân bay Chu Lai

Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết: UBND tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ ban hành văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Cảng hàng không Chu Lai được mở tuyến đón các chuyến bay quốc tế charter đến sân bay Chu Lai; chấp thuận cho Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana (Duy Xuyên) và TUI Blue Nam Hội An (Núi Thành) thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế bằng các chuyến bay charter.

Ông Tán Văn Vương, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc phát triển du lịch về đêm mang lại nhiều lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế - xã hội của thành phố, nhưng đồng thời, cũng đặt ra những vấn đề cần phải suy nghĩ, giải quyết để có thể khai thác, phát triển một cách hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp kéo theo khăn về nguồn vốn đầu tư, tâm lý của du khách. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường cần được quan tâm, giải quyết một cách hài hòa. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có mô hình phát triển, quản lý cụ thể để có thể áp dụng, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả phát triển kinh tế đêm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, nghiên cứu tham mưu Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế đêm, trong đó có hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư khu, điểm kinh tế đêm, các tổ chức cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch về đêm… Cho phép mở casino, thời gian mở từ 12h-6h sáng hôm sau.

Các đại biểu cũng đề nghị Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an cần nghiên cứu tác động đến người dân xung về tránh xung đột. Nảy sinh nhiều tội phạm về đêm, UBND các tỉnh, thành có những chính sách phối hợp cụ thể với lực lượng công an, phân khu phát triển kinh tế đêm thì phải phối hợp với công an quân đội để vừa đảm bảo kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng xác định, các hoạt động dịch vụ du lịch về đêm sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch Quảng Nam bền vững trong thời gian tới. Ở một số nơi hoạt động du lịch về đêm phát triển đã tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn, đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Quảng Nam chú trọng đầu tư và hình thành một số sản phẩm du lịch về đêm như: Đêm phố cổ Hội An, các chương trình nghệ thuật đêm tại: Khu vui chơi Vinpearl Land Nam Hội An, Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An, Hoi An Lune Center… mang lại những tín hiệu tích cực trong việc phát triển du lịch đêm.

Kinh doanh du lịch đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số ngành nghề truyền thống như: may mặc, lồng đèn, tranh tre, dừa nước, dệt thổ cẩm… Trên cơ cở thực tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã đề xuất một số nội dung như tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư, tiếp tục nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch đêm hiện có để thu hút du khách tại các địa điểm du lịch đêm, tiếp tục triển khai công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch để giới thiệu các sản phẩm du lịch về đêm, đồng thời triển khai chương trình kích cầu du lịch bằng chuỗi các sự kiện trong năm 2021.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng- Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ: các loại hình kinh tế đêm như karaoke dễ xung đột với người dân, đề nghị UBND các địa phương đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để hình thành khu kinh tế đêm ở khu dân cư mới. Tùy vào từng địa phương để các địa phương xây dựng mô hình thí điểm của mình vì thị trường và khách hàng mới là người sử dụng dịch vụ, nghiên cứu nhu cầu du lịch đêm của du khách trong từng giai đoạn, thị trường du khách của chúng ta vào những năm tới ra sao, giới tính, quốc tịch khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm