Phí chồng phí, thiếu công nhân: "3 tại chỗ" không hề dễ dàng
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Giảm lãi suất chưa đủ cứu doanh nghiệp
Thiếu công nhân, "3 tại chỗ" không dễ dàng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quá nhanh khiến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản dù đã chuẩn bị các phương án ứng phó nhưng vẫn lúng túng.
Để bảo đảm sản xuất bền vững, tránh đứt gãy cũng như phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện “3 tại chỗ, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy thực hiện là điều không hề dễ dàng.
Cụ thể, nhiều công ty đã thuyết phục công nhân, người lao động bằng nhiều chính sách như cung cấp chỗ ăn nghỉ, đồ dùng thiết yếu, phụ cấp thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày để duy trì ổn định sản xuất. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không bố trí đủ chỗ ở thì đành chấp nhận thuê khách sạn hoặc kí túc xá sinh viên cho công nhân. Tuy nhiên, hiện có 30 - 50% công nhân xin nghỉ việc vì con nhỏ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì đã tiếp xúc với người từ Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh trở về.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thiếu công nhân vào giai đoạn nước rút.
VASEP cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp đã giảm công suất chế biến từ 30 - 90% do không thể sắp xếp được chỗ ở, nghỉ ngơi cho công nhân và người lao động. Với đặc thù của ngành chế biến thủy sản thì không thể bố trí chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy đông lạnh, thậm chí còn phải tách biệt với khu chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, từ trước tới nay phần lớn lao động của các nhà máy chế biến thủy sản là người dân địa phương nên vẫn đi về trong ngày, ít trường hợp có nguyện vọng, nhu cầu ở lại khu nhà của công ty. Do đó, doanh nghiệp cần có thời gian chuẩn bị các phương án sản xuất cũng như tài chính.
Quý I và II, nguồn tôm nguyên liệu ít và giá cao nên doanh nghiệp chỉ duy trì công suất ổn định. Tuy nhiên, kể từ quý III, xuất khẩu tăng tốc vì đơn hàng nhiều và tôm bắt đầu rộ thu hoạch.
Tuy nhiên, đúng vào thời điểm nước rút thì COVID-19 lại bao vây tứ phía miền Tây Nam Bộ. Dù nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp cũng phải "bó tay".
"Điều mong mỏi của doanh nghiệp giờ này không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là công nhân, người lao động được tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Doanh nghiệp đang cầm hơi để cả nghìn công nhân không bị thất nghiệp. Nếu doanh nghiệp chết sẽ kéo theo cả chuỗi như ngân hàng, nông ngư dân… cùng chung số phận", đại diện một doanh nghiệp cá tra tại Đồng Tháp cho biết.
Phí chống phí “đè” nặng doanh nghiệp
Theo VASEP, trước kia, mọi chi phí nguyên vật liệu đã tăng, nay doanh nghiệp lo thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp cho người lao động ở lại làm việc “3 tại chỗ”. Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì chi phí chi phí điện, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistics, cước vận tải biển đều tăng từ 5-7 lần.
Bị ảnh hưởng từ COVID-19, nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ buộc đóng cửa. Để tìm nguồn cung thay thế, các doanh nghiệp thủy sản liên tục tìm các nhà cung cấp, tuy nhiên hầu hết đều đàm phán kéo dài thời gian giao hàng.
Chi phí logistics, cước vận tải biển hiện nay đều tăng đã khiến doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó.
VASEP cho biết thêm, trong khi miền Tây tôm nguyên liệu vào vụ, doanh nghiệp không mua được thì các doanh nghiệp tại các tỉnh ven biển như: Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu, các địa phương đều giãn cách hoặc một số cảng cá bị phong tỏa cho có các ca dương tính COVID-19. Cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà nhập khẩu cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc.
Không chỉ vậy, sau khi thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp tiếp tục xoay sở, cân đối tài chính; thay đổi kế hoạch sản xuất theo thứ tự ưu tiên cho từng đối tượng khách hàng, từng đơn hàng, tận dụng tối đa hàng trong kho… Tuy vậy vẫn không ít khách hàng, nhà nhập khẩu đòi hủy đơn hàng, bồi thường vì giao hàng trễ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 4,12 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều tăng trưởng dương khả quan: tôm đạt 1,73 tỷ USD (tăng 13,7%); cá tra đạt 780,8 triệu USD (tăng 17%); cá ngừ đạt 355 triệu USD (tăng 21,3%), nhuyễn thể đạt 332 triệu USD (tăng 15%). Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định,thời gian tới tình hình tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam sẽ khả quan trong bối cảnh các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh và sự cộng hưởng của các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực theo thời gian. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực hết sức của các doanh nghiệp thủy sản sau hơn một năm COVID-19 làm đảo lộn mọi sự. Nhưng niềm hi vọng về sức bật ở nửa cuối năm đã mau chóng thay bằng sự lo lắng có thể đạt được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu như đã đề ra không? Và giải pháp và niềm mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản lúc này chính là công nhân sớm được tiêm vaccine. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tôn vinh TOP 10 thương hiệu Sao Vàng đất Việt 2024: Vươn tầm Việt Nam
Apple tiến sát cột mốc 4.000 tỷ USD vốn hóa thị trường
Doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm kiếm giải pháp mới
Thị trường Halal: Cửa đã rộng mở, làm sao khai thác tiềm năng nghìn tỷ đô?
FPT được vinh danh Top 10 thương hiệu Sao Vàng Đất Việt